Họ nhìn ngắm đại lộ xưa cũ bây giờ ra sao sau bao năm bị "lô cốt" quây kín để làm ga ngầm metro. Gần đây, báo chí rộ thời sự nên làm mái che hay tái trồng cây xanh trên con đường rộng đẹp này càng làm nhiều người tò mò hơn nữa.
Ngắm nhìn đôi uyên ương đang chụp ảnh cưới trước cửa khách sạn REX, bà Trần Thị Phượng tâm sự: "Tôi chưa hình dung được đường phố thân quen này nếu làm mái che thì sẽ như thế nào, đẹp xấu ra sao. Bởi trong ký ức đời người hơn 75 tuổi như tôi, đại lộ Lê Lợi luôn là màu xanh của cây cối tỏa bóng mát rượi".
Thuở còn kinh đào
Bà Phượng là người Hà Nội di cư vào Sài Gòn từ năm 1954. Lên bến tàu Bạch Đằng sau những ngày vật vã say sóng, cô bé Phượng ngày ấy đã ngơ ngác nhìn những con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi (mà thời điểm đó còn mang tên Pháp - Charner và Bonard) lùi dần về phía sau để chuyến xe chở người di cư đưa cô và mẹ cha về khu Tân Chí Linh.
Rồi đến ngày Phượng lớn lên thành nữ sinh Trường Áo Tím (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) và Đại học Văn Khoa (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), cô càng ắp đầy kỷ niệm với đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ mà lứa nữ sinh Sài Gòn thập niên 1960 như cô vẫn ví von là đại lộ tình yêu, nơi hẹn hò của tuổi mộng mơ...
Nhưng đó là câu chuyện của những con đường đẹp nhất nhì thành phố khi đã được gỡ bỏ tên Pháp để vinh danh anh hùng nước Việt. Ngược thời gian trở lại cuối thế kỷ 19, đại lộ Lê Lợi cũng như Nguyễn Huệ đều có nguồn gốc từ hai con kênh đào mà ít người đời sau còn biết.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển kể rằng: "Những con đường như Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), de la Somme (Hàm Nghi), Pellerin (Pasteur) xưa kia đều là kinh rạch sau này lấp đi, tức nhiên buổi đó đi đến đâu cũng gặp toàn nước là nước...".
Vương Hồng Sển sinh năm 1902, khi ông đủ tuổi biết chuyện thì những con kinh này đều đã thành đường phố rồi, nhưng sự tìm hiểu của ông về Sài Gòn là chuẩn xác.
Trong các tài liệu người Pháp cũng ghi rõ nếu như đường Charner được hình thành từ lấp kinh đào Chợ Vải, thì nền đường Bonard chính con kênh đào Gallimard.
Con kinh này dài khoảng 0,8km, được đại úy công binh Gallimard tổ chức đào vào khoảng năm 1861 - 1862 xuyên qua "giữa vùng đầm lầy sau khi chiếm xong Sài Gòn" - như phát biểu của viên thiếu tá Bovet tại phiên họp Ủy hội thành phố Sài Gòn ngày 19-11-1867.
Trên bản đồ thành phố thời vừa bị xâm chiếm ấy, nếu nhìn từ hướng sông Sài Gòn vào, kênh Gallimard giao với đoạn cuối tả ngạn kênh Chợ Vải.
Vì đây là khu vực đầm lầy nên việc đào kênh Gallimard ngoài mục đích thủy lộ còn tiêu thoát nước ra sông Sài Gòn và lấy đất đắp nền để phát triển thành phố về sau.
Thuở mới đặt những viên gạch đầu tiên của Hòn ngọc Viễn Đông ấy, khu vực trung tâm thành phố này còn có rạch Cầu Sấu là tiền thân của đường Hàm Nghi mà người Pháp đặt tên ban đầu là rue No.3, tức đường số 3, và sau lại tiếp tục mấy lần thay tên đổi họ nữa mới mang tên cuối Pháp cùng là Boulevard de la Somme, cho đến năm 1955 thì bị hạ xuống để trang trọng đặt tên Hàm Nghi - vị vua yêu nước người Việt.
Và giao với kinh đào Gallimard còn có một kinh đào nữa mang tên viên đại tá Pháp Oliver, là tiền thân của đường Pasteur bây giờ...
Trở lại với kinh Gallimard, tức đại lộ Lê Lợi về sau. Khi người Pháp cho đào xong con kinh này đã đặt tên con đường bên bờ là rue No.13 (đường số 13).
Tuy nhiên, dòng đời con kinh này ngắn ngủi như số phận của những con kinh khác trong công cuộc đào rồi lấp của người Pháp.
Nó chỉ thông dòng chảy được ít năm trước khi bị lấp vào khoảng thập niên 1870 - 1880 để hình thành đại lộ Bonard - tên phó đề đốc hải quân Pháp từng giữ chức vụ Thống đốc Nam Kỳ.
Thuở đầu đại lộ này chỉ tới đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), mãi đến năm 1914 mới nối tới khu vực Halles centrales mà ngày nay là chợ Bến Thành...
Soi bóng đại lộ Lê Lợi
Ngược dòng thời gian trong ký ức của bà Trần Thị Phượng thập niên 1960 và nửa đầu 1970 của thế kỷ 20, hai đại lộ Lê Lợi cùng Nguyễn Huệ đã đậm sâu hồn cốt sang trọng, trí thức và cả tình yêu lãng đãng của tuổi trẻ.
Lịch sử từ thuở đầu lấp kinh để tạo lập đại lộ này, người Pháp đã nhanh chóng nâng cấp nó lên tầm trung tâm với nhiều công trình bề thế và nghệ thuật dù đã vắt qua mấy thế kỷ.
Có rất nhiều tòa nhà lịch sử soi bóng đại lộ Lê Lợi, nhưng điểm nhấn bậc nhất chắc chắn bất cứ ai cũng phải kể đến đầu tiên là Nhà hát lớn mà ngày nay mang tên Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh.
Tọa lạc ngay vị trí tuyệt đẹp công trường Lam Sơn, nhìn ra bùng binh Lê Lợi - Nguyễn Huệ và có thể phóng tầm mắt nhìn suốt đại lộ Lê Lợi đến tận chợ Bến Thành, nhà hát này như một đại đóa hoa quý phái trường tồn tạo điểm nhất cho khởi đầu đại lộ Lê Lợi cũng như cả khu vực trung tâm thành phố.
Công trình nghệ thuật được tạo tác bởi các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret, được xây dựng từ năm 1898 và hoàn thành vào năm 1900.
Người Pháp đã xây dựng khá nhanh để có "tháp ngà" biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp thay cho những nơi biểu diễn tạm trước đó ở nhà gỗ của Dinh thủy sư đề đốc và nhà hát tạm tại vị trí khách sạn Caravelle hiện nay.
Trải cùng bao cuộc bể dâu lịch sử chiến tranh, Nhà hát lớn từng bị ném bom, đóng cửa, rồi trở thành nơi tạm cư cho kiều dân Pháp ở thời điểm 1954. Đến thời kỳ cộng hòa sau 1955, tòa nhà lộng lẫy để biểu diễn nghệ thuật này được tu sửa nhưng lại biến thành trụ sở nghị viện.
Mãi sau năm 1975, Nhà hát lớn mới được trả lại đúng chức năng của mình và tiếp tục trải qua mấy lần sửa sang, trong đó có lần sửa để kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM.
Nếu như đầu đường Lê Lợi là "tháp ngà" nghệ thuật vừa kể trên, thì cuối đại lộ này lại là chợ Bến Thành - nơi kinh doanh sầm uất, sang trọng nhất nhì thành phố.
Ngày nay, dạo bước trong ngôi chợ thênh thang, chắc chắn ít người biết tiền thân chợ Bến Thành lại nằm bên đường Nguyễn Huệ ngày nay mà xưa còn là kinh Chợ Vải. Học giả Vương Hồng Sển với cuốn Sài Gòn năm xưa đã kể lại rằng: "Nói về vùng Chợ Mới như ngày nay ta thấy, xưa kia là một ao sình lầy nước đọng...
Năm 1913, người Pháp lấy ao vũng xây nhà chợ có làm lễ lạc thành trọng thể gọi là lễ "khai tân thị". Chợ này ở gần chỗ bến nước của thành xưa nên gọi là chợ Bến Thành cho đến nay vẫn gọi như thế...".
Khi chợ Bến Thành xây dựng xong, đại lộ Lê Lợi cũng được kéo dài tới tận ngôi chợ mới này. Rồi thêm một quảng trường thênh thang trước cổng chợ, một nhà ga xe lửa mới cùng hàng loạt cửa tiệm, công ty, nhà hàng, khách sạn nổi tiếng hai bên đường đã nâng tầm Lê Lợi thành một đại lộ hào hoa, sang trọng mà bất cứ ai đến Sài Gòn không thể không dạo bước ghé thăm...
Mỗi chiều thứ bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức", học giả Vương kể về thuở đầu của bùng binh bồn kèn, nơi giao nhau của đại lộ Lê Lợi và Nguyễn Huệ.
Ngay đầu thế kỷ 20, hai bên đường Lê Lợi đã đầy sức sống với những tòa nhà và nhân vật đặc biệt, kể cả một đại gia người Việt buôn đá quý, hột xoàn nổi tiếng.
Kỳ tới: Những người in dấu đại lộ Lê Lợi
TTO - Chính quyền TP.HCM vừa quyết định tái lập giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ cũng như mặt đường đại lộ Lê Lợi. Đó là một tin vui không chỉ cho những người bấy lâu lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa mà còn với bất kỳ ai yêu thành phố này.
Xem thêm: mth.58781413210403202-gnoud-hnaht-ad-yar-aux-hnik-1-yk-uey-hnit-ol-iad-iol-el/nv.ertiout