Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tích cực này vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Đáng chú ý, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng hơn 14%; may mặc tăng hơn 12%... Doanh thu bán lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao như Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh… Kết quả này cũng phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa, cũng như việc thúc đẩy xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa trong thời gian qua.
Tuy vậy, sức mua hiện nay vẫn được xác định là khó đoán, khi những tác động của tình hình kinh thế giới và trong nước tiếp tục ảnh hưởng đến túi tiền, thói quen chi tiêu của đại đa số người dân. Dễ thấy nhất là tại các chợ dân sinh, sức mua có phần ảm đạm và theo nhận xét của các tiểu thương, người bán còn đông hơn người mua. Chợ giờ cũng phải thay đổi để tiếp cận người tiêu dùng.
Ông Phan Thanh Hà - Trưởng Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chợ người lớn tuổi đi nhiều nên chúng tôi đặt ghế ở đây cho bà con ngồi nghỉ, hàng quý tổ chức buổi khuyến mãi tạo không khí cho chợ. Thanh toán không dùng tiền mặt để cuốn hút các bạn trẻ tới đây mua".
Cách làm tuy đơn giản nhưng chợ Nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh đã đông đúc hơn. Tiểu thương như chị Sen phải cạnh tranh bằng chất lượng hàng hoá tốt hơn, giá cả bình ổn hơn. Ngay cả đưa hàng lên các ứng dụng đi chợ hộ chị cũng tập làm quen.
"Giờ rau và các thứ phải làm uy tín mới giữ được khách lâu dài. Bắt đầu tôi cũng bán hàng trên thương mại điện tử giúp cho mọi người biết đến mình nhiều hơn, bán hàng cũng thuận tiện hơn nhiều", chị Cao Thị Sen - Tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết.
Tại các chợ truyền thống sức mua có phần ảm đạm. Ảnh minh họa.
Chợ truyền thống trực tuyến là mô hình mà Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh triển khai hơn 1 năm qua. Hiện đã có 32 chợ tham gia, hơn 15.000 đơn đặt hàng, doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng. Theo các tiểu thương, doanh thu mô hình này chỉ chiếm 10 - 15% nhưng cũng giúp họ có thêm nguồn thu và tiếp cận gần hơn người tiêu dùng.
Sạp thịt cô Cúc, rau củ Bình Gái… hình ảnh về các tiểu thương mộc mạc, lại rất được yêu thích trên "chợ mạng". Chụp ảnh, đưa hàng lên… giờ đã không còn mấy khó khăn với các tiểu thương.
"Nhờ mấy kênh này có thêm chi phí, giờ buôn bán chợ vắng lắm, ế. Alo cái là mình ship hàng, giao tới nơi, rất dễ dàng", chị Dương Thị Kim Cúc - Tiểu thương chợ ĐaKao, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết.
Để hỗ trợ tiểu thương, nhiều Ban quản lý chợ truyền thống, chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh cho biết, không tăng giá thuê sạp đến hết năm, cho bà con yên tâm buôn bán. Chợ truyền thống sẽ tham gia vào các tháng khuyến mại tập trung của thành phố, để bắt nhịp với bán lẻ hiện đại.
Linh hoạt kích cầu tiêu dùng
Sức mua sụt giảm cũng là lo ngại của nhiều doanh nghiệp sản xuất, các nhà bán lẻ, khi khoảng nửa tháng nay, tình hình kinh doanh không được như kỳ vọng. Dù thời điểm sau Tết, sức mua được đánh giá về gần mức trước đại dịch. Để kích cầu, các doanh nghiệp cũng đang tính toán, nâng chất lượng chương trình khuyến mãi, giúp giỏ hàng của người tiêu dùng tối ưu nhất.
Cam kết đưa ra thị trường khoảng 300.000 - 500.000 trứng gia cầm cho chương trình bình ổn mỗi ngày. CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, đang phải cân đối chi phí để tiêu thụ nhiều hơn số lượng đăng ký, hỗ trợ nông dân. Hiện giá trứng bình ổn trên quầy kệ được áp dụng giá khuyến mãi, thấp hơn 5 - 10% so với giá đăng ký với Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh.
Bố trí lại quầy kệ, trưng bày các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm đặc trưng ở khu vực trung tâm hoặc triển khai hơn 1.000 sản phẩm khuyến mãi từ 10 - 50% kéo dài đến hết năm, đẩy mạnh thương mại điện tử… là những giải pháp mà các nhà bán lẻ đang triển khai để kích cầu tiêu dùng.
Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, trong giai đoạn hiện nay, cả doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối đều chấp nhận giảm lãi, đổi lấy chương trình khuyến mãi, kéo sức mua.
Nhiều giải pháp đang được các nhà bán lẻ triển khai để kích cầu tiêu dùng. Ảnh minh họa.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhận định, dù có mức tăng 9,1% trong quý I và về gần mức trước đại dịch, tuy nhiên, bán lẻ của TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm tốc. Liên tục 1 tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã cùng các hệ thống phân phối lớn, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử... kết nối hàng hoá tại các tỉnh thành trên cả nước để đẩy mạnh giao thương, kích cầu.
"Mục tiêu chiến lược mà thành phố hiện nay đang quan tâm là làm sao khôi phục và mở rộng thị trường nội địa. Các sản phẩm trong nước phải được người Việt mình dùng. Tôi tin trong quý II và các tháng còn lại thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ vực dậy trên nền phát triển, tăng tốc du lịch", ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, cùng với xu hướng phát triển công nghệ số, doanh nghiệp có xu hướng chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. Vì vậy, thành phố sẽ tận dụng xu hướng này để tạo sự tăng trưởng ở khu vực kinh doanh - dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế.
VTV.vn - Khi công nghệ phát triển, nhiều phương thức bán hàng nở rộ cũng là lúc một số chợ truyền thống tại Hà Nội đìu hiu hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78135640130403202-mad-ma-tob-gnoht-neyurt-ohc-ed-iom-oa-caohk/et-hnik/nv.vtv