Ngày 3-4, Hội Luật gia, Phòng Tư pháp huyện Bình Chánh, Hội LHPN thị trấn Tân Túc, Trường THCS Tân Túc phối hợp cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”.
Chương trình giúp học sinh hiểu về các biện pháp phòng, chống những hành vi xấu, vi phạm pháp luật. Ảnh: TRẦN LINH |
Đây là hoạt động được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên về thực trạng bạo lực học đường; Hướng dẫn các em về các biện pháp phòng, chống những hành vi xấu, vi phạm pháp luật.
Trước khi diễn ra phiên tòa giả định, nhà trường đã cho diễn một tiểu phẩm ngắn do chính các em học sinh thủ vai. Tiểu phẩm có nội dung phản ánh nguyên nhân xảy ra cuộc ẩu đả, gây thương tích, giúp học sinh nắm được phần nào nguồn cơn vụ án.
Bên cạnh đó, những tình huống được các em học sinh diễn lại theo lối hài đã mang lại nhiều tiếng cười. Không khí vui vẻ bao trùm sân trường với khoảng 1.800 học sinh.
Tiểu phẩm phản ánh nguyên nhân xảy ra cuộc ẩu đả, gây thương tích, giúp học sinh nắm được nguồn cơn vụ án. Ảnh: TRẦN LINH |
Không ngại giao lưu để học hỏi
Nhà trường rất vui khi thấy các em năng nổ, đặt nhiều câu hỏi trong phần giao lưu. Có những em rất nôn nóng để đợi đến lượt mình được lên đặt câu hỏi.
Có những em do ngại ngùng, nhút nhát nên khi hỏi vẫn còn chưa rõ, chưa đầy đủ.
Tuy vậy, chúng tôi rất vui khi thấy các em chăm chú theo dõi, hào hứng, nỗ lực giao lưu để hiểu biết hơn về các quy định của pháp luật.
Bà KIỀU NGUYỆT HƯƠNG LIÊN, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Túc
Nội dung vụ án xét xử giả định như sau: Do bạn gái có mâu thuẫn trên mạng xã hội từ trước nên Trần Phi Công và Huỳnh Minh đã hẹn nhau ra nói chuyện. Minh đã rủ thêm Nguyễn Thanh Sơn và hai người nữa cùng đến gặp nhóm Công. Các nhân vật đều sinh năm 2007.
Sơn mượn cây sắt đem theo phòng thân. Hai bên xảy ra ẩu đả. Sơn dùng cây sắt đánh hai cái trúng vào đầu của Công khiến Công té xuống bất tỉnh. Trên đường về nhà, Sơn ném cây sắt vào bụi cây.
Hậu quả của vụ ẩu đả là Công bị chấn thương đầu, gây tụ máu da đầu, tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh phải có chèn ép mô não, tỉ lệ thương tích 10%.
Tại phiên tòa, HĐXX giả định đã phân tích cho bị cáo biết rằng, việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là hoàn toàn sai trái. Mặt khác, việc sử dụng cây sắt cứng để tấn công vào vùng đầu là hành vi rất nguy hiểm, rất dễ gây thương tích và hậu quả đáng tiếc. Cho nên cáo trạng mới truy tố bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” với tình tiết là có dùng hung khí nguy hiểm.
Tại tòa, bị cáo ăn năn hối hận, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Tòa xử phạt bị cáo 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm tính từ ngày tuyên án.
Em Nguyễn Lê Thiên Ân (học sinh lớp 9/2) đặt câu hỏi giao lưu. Ảnh: TRẦN LINH |
Giải thích pháp luật sinh động, dễ hiểu cho học sinh
Phiên xét xử thu hút được sự chú ý, theo dõi của học sinh. Sau khi phiên tòa kết thúc, các em xung phong đặt câu hỏi liên quan đến các tình tiết vụ án.
Em Minh Đức (học sinh lớp 9/9) thắc mắc: "Tòa xử bị cáo án treo và thời gian thử thách 4 năm. Nếu phạm lỗi trộm cắp lặt vặt thì có bị vô tù không?".
Các vị luật sư giải thích: "Nếu chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt hành chính, sẽ không bị bắt đi chấp hành án. Nếu phạm tội nghiêm trọng hơn như đánh nhau gây thương tích đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay trộm cắp tài sản giá trị lớn (trên 5 triệu, 10 triệu, 20 triệu…) đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử phạt theo tội danh mới và cộng thêm mức án cũ và không được hưởng án treo nữa".