Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Cần Thơ vừa phối hợp tổ chức toạ đàm với chủ đề: “Kiến trúc bền vững ở Việt Nam: Kinh nghiệm bản địa và công nghệ xanh”.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm tại TP Cần Thơ |
Tại buổi tọa đàm, các kiến trúc sư, chuyên gia hội viên các Hội kiến trúc đã chia sẻ nhiều ý kiến về kiến trúc bản địa, hiện đại. Đây có thể xem là diễn đàn để tiếp cận những quan điểm ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế kiến trúc hiện đại - trên cơ sở kế thừa và phát huy những nét bản sắc văn hoá địa phương.
Chia sẻ tại toạ đàm, kiến trúc sư Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Cần Thơ, cho biết TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đều chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt trong năm 2022, Cần Thơ đã trải qua nhiều đợt triều cường gây ngập và thiệt hại nặng nề. Tại các đô thị, khí hậu biến đổi khắc nghiệt đã gây tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe của cộng đồng.
“Vì vậy, việc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh kết hợp kiến trúc truyền thống, giữ gìn bản sắc, phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng khu vực là hết sức cần thiết. Tin tưởng rằng, với tâm huyết và trách nhiệm với xã hội của chúng ta, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đạt được mục tiêu góp phần kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường hơn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: đô thị Cần Thơ với bản chất là một đô thị vùng sông nước, việc xây dựng, quy hoạch kiến trúc từ nhà ở cho đến các công trình khác cần chú ý đến kiến trúc bản địa - kiến trúc mở gắn liền với sông nước.
Trong đó chú trọng dùng vật liệu bản địa, kết hợp hài hòa giữa văn hóa bản địa và hiện đại nhằm tạo ra một đô thị hấp dẫn riêng của vùng sông nước, không hòa lẫn vào các đô thị khác. Từ đó mới tạo được đô thị xanh, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa hấp dẫn du khách…
Trung tâm TP Cần Thơ |
Còn kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân - Ủy viên ban Kiến trúc Xanh và bền vững Châu Á cho rằng cần thiết phải đa dạng hóa công trình kiến trúc để tạo sự hấp dẫn và phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu từng vùng. Tuy nhiên cần thiết phải giữ nét bản địa, ở nhiều nơi kiến trúc dân gian cho thấy sự cân bằng, một mặt vừa chống lại những bất lợi, mặt khác lại nương tựa và tận dụng những thuận lợi của tự nhiên.
Như Việt Nam và vùng đô thị vùng ĐBSCL, cần chú ý công nghệ “xanh” khi xây dựng các công trình kiến trúc, làm sao vừa cải thiện chất lượng sống vừa thân thiện với môi trường, gắn với yếu tố bản địa từ yếu tố thông gió, vật liệu… tạo môi trường ở sạch, thoáng là hướng đi phù hợp với thế giới. Phải hiểu rằng kiến trúc bản địa Châu Á là kiến trúc con Người…
Các ý kiến của chuyên gia được thảo luận tại toạ đàm đã ghi nhận những nỗ lực của ngành nghề trong việc khai thác những yếu tố địa phương. Nhìn lại quá khứ, kiến trúc truyền thống Việt Nam, đặc biệt là kiến trúc nông thôn tại các làng, xã truyền thống vốn rất bền vững, gắn với thiên nhiên.