Tranh thủ ngày cuối tuần, cô giáo Nguyễn Thị Như Ngọc (28 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) cùng các đồng nghiệp là giáo viên Trường tiểu học xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) tất bật dọn dẹp đồ đạc từ phòng trọ đến nơi ở mới. Sau 4 năm gắn bó với mảnh đất miền núi ở phía tây TP.Đà Nẵng từ ngày mới tốt nghiệp, giờ đây xã Hòa Bắc như quê hương thứ hai của cô Ngọc.
Ở đây, cô cùng các đồng nghiệp trải qua những ngày tháng với nhiều khó khăn, thiếu thốn…, nhưng bù lại, họ cảm nhận được nghĩa tình của đồng bào Cơ Tu. "Ngày đầu đặt chân đến xã miền núi Hòa Bắc, tôi bị lạc đường. Lúc đó trời mưa gió tầm tã, đường về thôn Tà Lang, Giàn Bí bùn lầy... Vất vả vô cùng. Lại mới "chân ướt chân ráo" đến vùng đất mới, không biết lưu trú ở đâu. Sau đó tôi cùng các đồng nghiệp đã thuê được căn trọ nhỏ nằm gần điểm trường để tiện cho việc đi dạy", cô giáo Ngọc kể.
Công trình nhà lưu trú sẽ là điểm tựa vững chắc giúp giáo viên miền núi có nơi ăn, chốn ở ổn định để yên tâm dạy học cho học sinh đồng bào Cơ Tu.
Thuê được nhà trọ, nhưng các thầy cô giáo trẻ vẫn chưa thôi bất an. Điều kiện ăn ở thiếu thốn, sinh hoạt trong căn nhà trọ tạm bợ, cứ đến mùa mưa bão là lo. Các điểm trường ở xã Hòa Bắc lại xa khu vực trung tâm xã, mùa mưa đường sá luôn bị chia cắt khiến họ không thể quay về phòng trọ sau khi kết thúc tiết dạy.
"Mỗi năm, nhà trường sẽ luân chuyển giáo viên ở các điểm trường nên giáo viên phải tìm trọ mới cho tiện đi lại. Năm 2019, tôi ở trọ tại thôn Nam Mỹ (xã Hòa Bắc), lúc đó chưa có nước sinh hoạt nên phải dùng nước suối, đường đi thì lầy lội và rất khó khăn", cô giáo Ngọc nhớ lại.
ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC
Có mặt tại xã miền núi Hòa Bắc hồi giữa tháng 3, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của các thầy cô giáo. Với những giáo viên "gieo chữ" ở xã miền núi, có chỗ ở khang trang là niềm động lực lớn giúp họ yên tâm đứng lớp. Ấy là khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) và UBND H.Hòa Vang làm lễ bàn giao công trình nhà lưu trú của thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các điểm trường ở xã miền núi Hòa Bắc. Sau 4 tháng thi công, công trình nhà lưu trú cho giáo viên xã Hòa Bắc đóng gần trường Tiểu học xã Hòa Bắc được sửa chữa khang trang.
Khi nhận được thông báo địa phương sẽ hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú, các giáo viên rất vui. "Chúng tôi đếm từng ngày để được nhận phòng vào ở, thoát cảnh ở trọ tạm bợ. Đến nay thì yên tâm có nơi ở khang trang, đầy đủ tiện nghi, vật dụng. Đây sẽ là động lực để giáo viên nỗ lực, gắn bó với mảnh đất Hòa Bắc này", cô giáo Ngọc nói.
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hòa Vang, nhìn nhận chuyện đi lại của giáo viên nơi đây luôn gặp nhiều khó khăn do xa trung tâm, chưa kể đa phần là người ở địa phương khác đến. "Các giáo viên phải thuê trọ, ở nhờ nhà dân để giảng dạy tại các điểm trường. Thấu hiểu những khó khăn mà giáo viên đang đối mặt, địa phương đã đề xuất tìm nguồn hỗ trợ để xây dựng nhà lưu trú", ông Hoàng nhớ lại.
Công trình có 4 phòng sinh hoạt ở với đầy đủ tiện nghi, gồm khu bếp, nhà vệ sinh khép kín, khu nhà để xe, tường rào, cổng ngõ, sân sinh hoạt chung... với tổng diện tích xây dựng khoảng 500 m². Tổng kinh phí thực hiện công trình là 1,42 tỉ đồng, trong đó LĐLĐ TP.Đà Nẵng hỗ trợ 990 triệu đồng, UBND H.Hòa Vang đối ứng 400 triệu đồng, Công đoàn ngành Giáo dục TP.Đà Nẵng hỗ trợ 30 triệu đồng để mua sắm vật dụng, thiết bị.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng, cho biết công trình nhà lưu trú của giáo viên xã Hòa Bắc là tình cảm, tấm lòng của người lao động trên địa bàn dành cho các giáo viên đang thầm lặng làm nhiệm vụ ở nơi xa xôi của TP.Đà Nẵng. "Giờ đây, công trình nhà lưu trú sẽ là điểm tựa vững chắc giúp giáo viên miền núi có nơi ăn, chốn ở ổn định để yên tâm dạy học cho học sinh đồng bào Cơ Tu", ông Minh nói.