"Tôi sẽ kết hợp cầu thủ trẻ và cầu thủ lớn tuổi cho hai trận đấu với đội tuyển Nepal nhằm chuẩn bị thật tốt cho các mục tiêu của bóng đá nữ Việt Nam trong năm 2023", HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Giàu sức chiến đấu
Chưa thể tập nặng hay tham gia tập đối kháng cùng các đồng đội sau chấn thương, trung vệ kỳ cựu Chương Thị Kiều vắng mặt ở vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024.
Dù vậy, sự vươn lên của Lê Thị Diễm My (27 tuổi), Lương Thị Thu Thương (23 tuổi) hay Trần Thị Hải Linh (23 tuổi) đem đến nhiều lựa chọn cho đội tuyển nữ Việt Nam.
Với phong độ cao cùng kinh nghiệm dày dạn, Diễm My được HLV Mai Đức Chung thử nghiệm trong ba trận giao hữu với các đội nam tại Hà Nội. Có thể lực tốt và đọc tình huống nhanh, cái thiếu còn lại của Diễm My là sức mạnh.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có đội trưởng mớiĐỌC NGAY
Điều này đã được HLV Mai Đức Chung khắc phục bằng các bài tập về cơ để giúp trung vệ này hoàn thiện kỹ năng trước khi bước vào kiểm tra ở hai trận đấu với Nepal vào ngày 5 và 8-4 sắp tới.
Về việc tiền đạo số 1 Huỳnh Như từ CLB Lank FC (Bồ Đào Nha) trở về khoác áo đội tuyển nữ Việt Nam dự vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024, cũng có ý kiến không đồng tình.
Điều này do chủ nhà Nepal (hạng 100 thế giới) quá yếu so với tuyển nữ Việt Nam (hạng 33 thế giới) nên cần tạo cơ hội cho các tiền đạo trẻ thi đấu và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng HLV Mai Đức Chung cũng có lý của mình.
Theo đó, ông muốn Huỳnh Như dìu dắt các đồng đội trẻ, trong đó có chân sút 20 tuổi Vũ Thị Hoa lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Chơi xông xáo và mạnh mẽ, Vũ Thị Hoa đã lập cú đúp trong trận hòa 2-2 trước đội Thanh Niên Hà Nội. Và đây sẽ là chân sút đáng chờ đợi của đội tuyển nữ Việt Nam ở vòng loại Olympic, SEA Games cũng như World Cup sắp tới.
Lực lượng bổ sung đã sẵn sàng
HLV Mai Đức Chung đã loại 10 cầu thủ trước khi đội tuyển Việt Nam lên đường sang Nepal. Nhưng không như các lần tập trung trước, ông không cho số cầu thủ nữ này về lại CLB mà tiếp tục tập luyện tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Ngoài ra, ông còn gọi tập trung thêm 4 cầu thủ trẻ khác.
Nhóm 14 cầu thủ này ngoài việc tiếp tục rèn luyện thể lực cùng HLV thể lực Cedric Roger mà còn tập luyện kỹ thuật nhằm chuẩn bị cho SEA Games 32 và World Cup 2023.
Vì vậy, nếu nhóm cầu thủ sang Nepal có người không đạt yêu cầu hay gặp chấn thương, đội tuyển Việt Nam lập tức sẵn sàng có người thay thế mà không bị động. Nói vậy bởi lực lượng ở nhà cũng có những cầu thủ tài năng như Thùy Dung, Thùy Trang, Tuyết Ngân, Hồng Nhung...
Chiến thắng trước Nepal là điều không khó với đội tuyển nữ Việt Nam để giành quyền vào vòng loại thứ 2.
Tuy nhiên, giai đoạn chuẩn bị sau đó mới là điều đáng nói. Cụ thể, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ sang Nhật Bản tập huấn trước khi sang Campuchia bảo vệ HCV SEA Games 32 vào tháng 5. Sau SEA Games 32, đội tuyển nữ Việt Nam lại tiếp tục sang Đức tập huấn và thi đấu giao hữu (dự kiến từ ngày 5 đến 25-6) trước khi tham dự World Cup 2023.
Với lực lượng sẵn sàng hiện có để sàng lọc qua từng giai đoạn, tuyển nữ Việt Nam cho thấy tư thế sẵn sàng vào trận.
Đây là điều cần thiết bởi ở SEA Games 32, ngoài kình địch Thái Lan, Philippines với dàn cầu thủ nhập tịch đang thi đấu ở nước ngoài sẽ là thách thức không nhỏ. Ở Giải Đông Nam Á 2022, Philippines với đội hình gồm nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu từng thắng Việt Nam 4-0 ở bán kết trước khi thắng Thái Lan 3-0 ở chung kết để lần đầu tiên đăng quang.
Chiều 3-4 (giờ địa phương), đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã đến Nepal sau hành trình kéo dài 22 tiếng đồng hồ, bắt đầu cho vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024.
Xem thêm: mth.10041358040403202-puc-dlrow-av-semag-aes-ohc-gnas-nas-man-teiv-un-ad-gnob/nv.ertiout