Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận của các thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khi đưa ra biểu quyết ngày 3-4 tại trụ sở Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ).
Trong đó có sự tham gia đồng bảo trợ của 98 nước (tính đến cuối giờ chiều 3-4 giờ Geneva), bao gồm 14 nước đồng tác giả (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Romania, Nam Phi và Tây Ban Nha).
Đồng thời có 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, cả các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ năm nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN.
Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva đã trực tiếp triển khai soạn thảo, tham vấn, thương lượng dự thảo nghị quyết sau khi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu sáng kiến tại khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền hôm 27-2 vừa qua.
Nội dung nghị quyết tập trung vào tầm quan trọng và nhiều nội dung tích cực của tuyên ngôn và tuyên bố nêu trên.
Chẳng hạn nhắc lại các nguyên tắc chính về quyền con người của hai văn kiện, nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người.
Nghị quyết cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm hai văn kiện nêu trên.
Trong đó có sự kiện cấp cao của Liên Hiệp Quốc về quyền con người vào tháng 12-2023 và báo cáo các hoạt động kỷ niệm lên khóa họp 56 Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm tới.
Trong bối cảnh các thành tựu đảm bảo quyền con người của thế giới đang gặp nhiều thách thức, Việt Nam đề xuất Hội đồng Nhân quyền thông qua văn kiện khẳng định giá trị và cam kết của tất cả các nước đối với Tuyên ngôn nhân quyền.