Tết Songkran của Thái Lan là dịp lễ hội Phật giáo được tổ chức từ ngày 13 đến 15-4 theo dương lịch hằng năm, nhằm đánh dấu năm mới theo Phật lịch.
Cũng như Tết Nguyên đán của người Việt, Tết Songkran là khoảng thời gian để người Thái quây quần bên gia đình, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon và thực hiện các nghi lễ Phật giáo để kính nhớ ông bà, tổ tiên, cùng nhau đi chùa để cầu bình an cho gia đình.
Để chuẩn bị cho Tết Songkran, người Thái Lan thường dọn dẹp nhà cửa và cả những nơi công cộng như văn phòng, công ty, trường học, công viên và cả vỉa hè.
Con cháu làm lễ rửa tay cho người lớn tuổi hơn để tỏ lòng biết ơn. Họ rưới nước thơm làm từ hoa hồng và hoa nhài lên tay, chân của những người có vai vế cao hơn trong gia đình, còn bạn bè tạt nước và bôi bột mì cho nhau để gột rửa những điều không may mắn.
Trở thành những "trận chiến nước" kinh hoàng
Thế nhưng từ những bát nước nhỏ, những cái vẩy nước nhẹ nhàng để chúc phúc và gột rửa những điều không may cho gia đình, bạn bè đã trở thành những “trận chiến té nước” kinh hoàng, theo tờ South China Morning Post.
Đặc biệt, theo nhiều dự đoán, lễ hội té nước năm nay sẽ càng bùng nổ hơn sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Từ một dịp Tết truyền thống, Songkran trở thành một lễ hội té nước với quy mô toàn Thái Lan, thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế với các hoạt động vui chơi giải trí.
Năm 2011, lễ hội té nước tại thủ đô Bangkok đã được Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là cuộc chiến súng nước lớn nhất thế giới, với 3.477 người bắn súng nước lẫn nhau trong vòng 10 phút.
Các hệ lụy tiêu cực đi kèm
Bất chấp vô số chiến dịch nhằm kiểm soát giao thông, giảm thiểu tai nạn trong dịp Tết, con số các vụ tai nạn mà chính quyền Thái Lan ghi nhận trong mỗi dịp Tết vẫn không ngừng tăng cao, trong đó có nhiều vụ liên quan đến bia rượu.
Trong dịp Tết Songkran năm 2021, chính quyền Thái Lan ghi nhận 278 người chết, 1.869 người bị thương do tai nạn giao thông chỉ từ ngày 11 đến 16-4. Trong đó, hơn 60% các vụ tai nạn là do lái xe khi say rượu.
Cảnh sát địa phương cho biết độ lớn của những khẩu súng nước cũng được tăng dần theo thời gian. Điều này đã trở thành một mối hiểm họa đối với những người đi xe máy, đặc biệt là những người say rượu bia.
Không những vậy, trong một cuộc khảo sát do tổ chức Phong trào Tiến bộ nữ giới và nam giới Thái Lan thực hiện, một nửa số phụ nữ và trẻ em gái tham gia khảo sát phản ánh về tình trạng quấy rối tình dục trong dịp Tết Songkran hằng năm.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với những nguồn nước không sạch cũng gây ra các bệnh về da liễu, bệnh nhiễm trùng.
Việc thân nhiệt bị thay đổi đột ngột do các hoạt động tạt nước giữa cái nắng tháng 4 dẫn đến sự bùng nổ của các bệnh liên quan đến hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm và viêm phổi.
TTO - Một ngày nữa là tết cổ truyền năm COVID-19 thứ hai của Thái Lan và Campuchia. Dịp này, người dân và du khách thường đi chùa, chúc tết bằng cách té nước vào nhau. Nhưng năm nay, người dân được kêu gọi ở nhà để phòng dịch.