Phản hồi đề xuất của các hiệp hội và địa phương về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho rằng chính sách này hiện không phù hợp.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từng được triển khai để hỗ trợ cho ngành ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước hai năm 2020, 2022 và đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, Covid-19 đã được kiểm soát và thời điểm này chưa phù hợp để tiếp tục giảm phí trước bạ, theo Bộ Tài chính.
Chính sách này cũng có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. "Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA)", Bộ Tài chính nêu.
Nếu ưu đãi riêng cho nhóm ôtô trong nước, các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận đây như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Do đó, Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ các quốc gia không sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho hay.
Vì thế nếu giảm lệ phí trước bạ, cơ quan này nói rằng cần áp dụng chung cho cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn nhóm xe nhập khẩu nguyên chiếc. Phương án này, theo Bộ Tài chính lại ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương do đây là khoản thu địa phương được hưởng 100%.
Đầu tháng 3 năm nay, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cùng Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình nêu nhiều đề xuất với Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính, trong đó có giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giữa tháng 3, Hiệp hội các nhà nhập khẩu Ôtô Việt Nam (VIVA) cũng gửi văn bản gửi lên Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ kiến nghị đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ đối cho dòng ôtô nhập khẩu (CBU). Chính phủ sau đó giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu chính sách này.
Quỳnh Trang