Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chỉ thị này tại địa phương.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, cần thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cũng như có những đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện những thách thức trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo các chứng nhận chuẩn quốc tế…
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết những kiến nghị của tỉnh Đắk Lắk sẽ được Ban Kinh tế T.Ư tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện báo cáo về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW; đồng thời xem xét và đề xuất T.Ư các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách, pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, đến nay tỉnh này có 506.728 ha rừng, trong đó có hơn 365.635 ha rừng tự nhiên. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh này có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác trồng rừng có nhiều kết quả, giai đoạn 2017 - 2022 toàn tỉnh trồng được 12.405 ha (cả trồng rừng mới và trồng lại rừng sau khai thác).
Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, xử lý hành chính 6.143 vụ; lập hồ sơ đề nghị xử hình sự 98 vụ với 57 bị can, tổng số tang vật tịch thu 6.339 m3 gỗ các loại, tổng số tiền thu sau xử lý hơn 35 tỉ đồng.
Đắk Lắk cũng tổ chức 9 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của nhiều dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn. Qua đó, đã thu hồi đất của 9 dự án vi phạm với diện tích hơn 5.571 ha; đang lập thủ tục thu hồi 3 dự án khác với diện tích hơn 1.002 ha.
Cũng tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk kiến nghị T.Ư có cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây nguyên để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; nâng mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để người dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng…