Đây là khẳng định của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT - Bộ TT-TT), khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 4.4 xung quanh vấn đề này.
Nhiều nội dung xấu, độc
Thưa ông, trong thời gian gần đây, nhiều nội dung đăng tải trên mạng xã hội (MXH) TikTok nhảm nhí, phản cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật… đã ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng. Bộ TT-TT đánh giá như thế nào về MXH này, thực trạng có như phản ánh của người dùng hay không?
TikTok là nền tảng mới vào VN từ năm 2019 và năm 2020, bắt đầu phát triển mạnh trong dịch Covid-19. Theo phía TikTok báo cáo, hiện có khoảng 45 triệu người dùng. Thời gian đầu, nền tảng này hướng nhiều đến giải trí, hướng đến ca hát, nhảy múa của giới trẻ và gần như không liên quan đến vấn đề chính trị, chống phá nhà nước. Do phát triển tại VN quá mới, thiên về giải trí nên các thế lực thù địch không quan tâm.
Tuy nhiên, từ đợt dịch Covid-19, nhiều người ở nhà đã góp phần thúc đẩy đăng ký của TikTok và nền tảng này thực sự bùng nổ, phát triển mạnh vào năm 2021. Khi một nền tảng MXH đạt đến mức độ phát triển lớn, có sự tác động xã hội, từ đó phát sinh nhiều vấn đề xấu; trong đó nổi lên các nội dung độc hại, gây tác động trực tiếp đến giới trẻ.
Thứ nhất, khác với các nền tảng MXH như Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung. Thuật toán này, theo tìm hiểu của Cục PTTH-TTĐT và qua báo chí phản ánh là ưu tiên đưa nội dung "câu view, giật tít", bất kể là thông tin tốt hay độc hại để tạo thành "trend". Trong nhiều trường hợp các "trend" độc hại từ nước ngoài hay ở trong nước cũng được thuật toán này gợi ý tạo thành "trend", gây tác động ảnh hưởng lớn đến giới trẻ. Tác động lớn nhất là những hành vi gây nguy hiểm như: nhảy trước xe tải, thử thách độc hại, những "trend" liên quan đến trẻ em, bùa ngải mê tín…
Thứ 2 là tin giả liên quan đến đời sống xã hội cũng phát tán trên môi trường này rất nhiều. Trước đây, tin giả chủ yếu trên Facebook và YouTube, còn bây giờ nền tảng này lan truyền tin giả, nhắm đến đối tượng là giới trẻ. Đặc biệt, tin giả về vấn đề dân sự lan truyền rất nhiều.
Thứ 3, thương mại điện tử của TikTok gần đây phát triển rất mạnh, kéo theo những hoạt động lừa đảo, kinh doanh buôn bán lừa đảo, quảng cáo sai sự thật cũng bùng nổ.
Thứ 4, các thế lực thù địch cũng coi đây là một nền tảng để tung tin giả, tin sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước. Trước đây, các thế lực thù địch chỉ viết bài trên Facebook, một số nhóm làm clip trên YouTube, nhưng bây giờ phương thức mới của họ chuyên nghiệp hơn, xây dựng trang web để lưu trữ nội dung; khi bị chặn, gỡ thì nhanh chóng đăng lại dễ dàng. Với nội dung văn bản đăng trên Facebook, vẫn nội dung đó, họ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đọc tự động để lấy hình ảnh, đoạn clip từ báo chí lồng nội dung đăng trên Facebook vào thành đoạn video clip đăng trên YouTube. Sau đó, họ cắt gọt lại khoảng 15 - 20 giây để đăng trên TikTok. Các thế lực thù địch tạo trang web có tên miền, máy chủ đặt ở nước ngoài để đọc lâu dài, vừa có Facebook để lan truyền bằng văn bản, vừa có YouTube để nghe tự động; còn TikTok để nghe tin nhanh có tác hại rất lớn. Việc tung tin xuyên tạc rất nhiều về tất cả những vấn đề nóng của đất nước.
Trước thực trạng trên, xin ông cho biết thời gian qua, Bộ TT-TT đã có những biện pháp gì để quản lý TikTok?
Bộ TT-TT mà trực tiếp là Cục PTTH-TTĐT đã phát hiện ra những điều đó từ sớm. Chúng tôi đã đấu tranh với TikTok rất nhiều. Một mặt, họ vẫn hợp tác với Bộ TT-TT và Cục PTTH-TTĐT trong việc gỡ các nội dung sai phạm. Khi bộ hay cục gửi nội dung vi phạm, họ cũng gỡ bỏ trên 90%. Do thuật toán phân phối tự động nên việc rà quét, phát hiện chỉ chiếm một phần những nội dung độc hại, nên yêu cầu lớn nhất của Bộ TT-TT là TikTok phải chủ động kiểm soát, ngăn chặn ngay từ đầu, chứ không phải đăng lên lan tỏa rồi mới chặn. TikTok chưa làm được việc này và thậm chí cũng tránh né.
Đối với Facebook hay YouTube, khi họ gỡ các nội dung đó sẽ biến mất, khi cơ quan chức năng rà sẽ biết bao nhiêu clip, bao nhiêu nội dung đã được xóa, nhưng với TikTok do thuật toán phân phối nội dung nên clip lúc ẩn, lúc hiện. Người này xem được, người kia không xem được.
Chỉ có TikTok - chủ sở hữu mới có thể kiểm soát được thuật toán đó nhưng họ cố tình tránh né, không thực hiện, dẫn đến thông tin độc hại trên nền tảng này ngày càng phát triển.
Không tuân thủ pháp luật, TikTok sẽ không được chào đón ở VN
Ông có thể chia sẻ thêm, sắp tới Bộ TT-TT sẽ đưa ra các giải pháp gì mạnh tay để "làm sạch" TikTok? Cụ thể, trong tháng 5, hoạt động thanh tra sẽ tập trung vào những nội dung nào?
Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ triển khai một loạt các biện pháp quyết liệt, đồng bộ cả về kinh tế, kỹ thuật, pháp lý. Việc thanh tra nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại VN. Hiện, Bộ TT-TT đã lập kế hoạch kiểm tra với các nội dung về quản lý nội dung TikTok; tại sao nội dung độc hại lan truyền, trách nhiệm của TikTok như thế nào với việc này?
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kiểm tra về các hoạt động quảng cáo; kiểm tra về quản lý thần tượng (idol); qua đó làm rõ hiện tượng người sáng tạo nội dung nhưng làm những nội dung câu khách, phản cảm, giật gân, thậm chí vi phạm pháp luật để nhận được những donate (quà) có đúng quy định pháp luật không? Ngoài ra, chúng tôi còn kiểm tra về thương mại điện tử, kinh doanh, buôn bán.
Trong tháng 4, Bộ TT-TT sẽ ban hành kế hoạch kiểm tra và sẽ gửi cho TikTok. Dự kiến, kế hoạch kiểm tra sẽ diễn ra trong 1 tháng; đoàn kiểm tra liên ngành ngoài Bộ TT-TT còn có đại diện Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính... Nếu phát hiện sai phạm, Bộ TT-TT sẽ xử lý nghiêm.
Nhiều bậc phụ huynh lo ngại những thông tin trên TikTok có thể gây tác động tiêu cực cho giới trẻ, nhất là các em nhỏ. Bộ TT-TT có đưa ra những quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn thông tin cho trẻ em không, thưa ông?
TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng MXH xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, khi vào VN các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp VN. Bộ cũng đang đấu tranh với TikTok phải có một ứng dụng dành cho trẻ em ở VN như ở một số nước đã làm. Trong đó nội dung phải được tiền kiểm từ đầu chứ không phải đăng lên rồi mới hậu kiểm, để những nội dung độc hại không tác động đến trẻ em.
Ngoài biện pháp trên, nếu như TikTok không xử lý và chấn chỉnh, Bộ TT-TT sẽ triển khai một loạt những biện pháp mạnh tay, cứng rắn hơn. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới khi vào VN phải tuân thủ quy định pháp luật của VN. Nếu như không tuân thủ pháp luật VN, TikTok sẽ không được chào đón hoạt động ở VN.
Xin cảm ơn ông!
TikTok sẽ cập nhật Tiêu chuẩn cộng đồng vào cuối tháng 4
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại VN, cho biết để thực thi tiêu chuẩn cộng đồng (TCCĐ) nhằm bảo vệ sự an toàn của người dùng: "TikTok sẽ thực hiện xóa các nội dung và tài khoản vi phạm TCCĐ. Các nhà sáng tạo sẽ được thông báo về việc bị xóa và nhận được hướng dẫn về cách kháng cáo. Ngoài ra, các nội dung mà TikTok cho là không phù hợp với nhóm người dùng trên 13 tuổi sẽ không đủ điều kiện được đề xuất tại trang dành cho bạn. Tính hiệu quả trong việc thực thi TCCĐ sẽ được củng cố nhờ sự phối hợp giữa công nghệ và đội ngũ kiểm duyệt".
Đại diện TikTok cam kết sẽ xử lý những nội dung và tài khoản vi phạm TCCĐ hoặc điều khoản dịch vụ; đồng thời công bố thông tin về hoạt động xử lý này theo quý để thực hiện trách nhiệm giải trình với cộng đồng TikTok. "Chúng tôi đã công bố Báo cáo thực thi TCCĐ quý 4/2022 vào cuối tháng 3. Ngày 21.4 tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật TCCĐ để luôn đảm bảo rằng TikTok là môi trường an toàn, hòa nhập và chào đón mọi đối tượng người dùng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ không ngừng đầu tư vào công nghệ kiểm duyệt và báo cáo kiểm soát nội dung để mang đến những trải nghiệm tích cực, an toàn cho cộng đồng", ông Thanh nói.