Đây cũng là lần hiếm hoi trong các hội nghị Thành ủy TP.HCM mà phóng viên được dự phần thảo luận với khối lượng lớn thông tin về các giải pháp mang tính chiến lược cũng như tình thế.
NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG THẤP
Khoảng 1 tuần qua, thông tin TP.HCM tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chỉ 0,7% được giới chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận khá nhiều, UBND TP.HCM cũng tổ chức hội nghị để "mổ xẻ" nguyên nhân và gợi mở nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, so sánh đây giống như những "toa thuốc" được bác sĩ kê đơn, vấn đề còn lại là "người bệnh có uống đúng và thực sự muốn uống hay không".
Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM báo cáo kết quả kinh tế xã hội quý 1, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết kinh tế thành phố có độ mở cao, tác động gần như đồng thời với những diễn biến của tình hình thế giới. Nếu diễn biến kinh tế thế giới tích cực thì kinh tế TP.HCM sẽ ảnh hưởng trước theo chiều hướng tích cực, và ngược lại. Đặc thù này lý giải vì sao cùng mặt bằng pháp lý nhưng mức tăng trưởng của TP.HCM thấp hơn các địa phương khác.
Phân tích sâu hơn về chỉ số tăng trưởng thấp, ông Mãi cho hay TP.HCM là trung tâm dịch vụ, công nghiệp và các mảng này bị ảnh hưởng lớn, 90% dự án bất động sản đang đóng băng. Nhóm ngành ngân hàng bị tác động, lượng cung tiền thấp và lãi suất cao nên doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận; du lịch khởi sắc nhưng nhiều mảng chưa đạt quy mô trước dịch Covid-19. Các chỉ số khác như sản xuất công nghiệp giảm như nhiều địa phương khác, đơn hàng xuất khẩu giảm 30 - 40%, cùng với đó là xu hướng thắt chặt chi tiêu do thu nhập, tiền lương của người dân giảm.
Những khó khăn chung tác động không chỉ đến tăng trưởng kinh tế mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nói từ cuối năm 2022, đơn hàng của các nhóm ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may giảm nên hàng trăm ngàn người lao động bị giảm việc, ngưng việc. Một vấn đề khác nổi lên trong quý 1/2023 là tranh chấp lao động khi tái ký hợp đồng, DN duy trì lao động nhưng giảm lương, giảm giờ làm, hoãn việc, phúc lợi hạn chế.
GỠ NÚT THẮT MẶT BẰNG
Trong tháng 4 và quý 2/2023, TP.HCM đề ra 12 giải pháp để vực dậy tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ tập trung vào "những cái đang có trong tay" gồm đầu tư công và tháo gỡ ngay những dự án ngoài ngân sách. Về đầu tư công, với hơn 43.400 tỉ đồng đã phân bổ, TP.HCM đặt mục tiêu đến hết quý 2/2023 đạt 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91% và hết niên độ (tháng 1.2024) đạt 95% trở lên.
Trong năm 2023, có 50 dự án giao thông ở TP.HCM cần giải phóng mặt bằng với diện tích 100 ha, tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng. Cùng với đó là 3 dự án: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài phải giải tỏa 900 ha, tổng mức đầu tư 40.000 tỉ đồng. "Nếu như giải phóng mặt bằng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm thì công việc phía sau rất thuận lợi", ông Mãi nhận định, đồng thời đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Hiện các DN nhà nước tại TP.HCM đang gặp nhiều vướng mắc về đất đai, cổ phần hóa, cán bộ quản lý, quy chế hoạt động… Ông Mãi cho biết trong tháng 4.2023 sẽ cơ bản phân nhóm 141 vướng mắc của DN nhà nước để giải quyết. Đối với nhóm DN tư nhân, TP.HCM tháo gỡ các vướng mắc chính về thủ tục đầu tư, đất đai, hoàn thuế, PCCC (cơ sở karaoke, nhà xưởng). Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản sẽ "rã băng từ từ" để kích thích các ngành khác, tạo công ăn việc làm.
"Các dự án chạy thì dòng vốn sẽ chạy, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế, niềm tin cho nền kinh tế", ông Mãi nói. Hằng tuần, kết quả giải quyết các hồ sơ sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của UBND TP.HCM để người dân và DN theo dõi, góp ý.
Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu tạo chuyển biến ngay trong quý 2/2023 bằng nội lực của TP.HCM, trong đó ưu tiên đầu tư công và chi tiêu công. Cụ thể, các dự án trọng điểm triển khai xuyên suốt để đảm bảo tiến độ thi công, báo cáo kết quả hằng tuần cho Thường trực Thành ủy TP.HCM. Thị trường nội địa hơn 10 triệu dân của TP.HCM cần nhanh chóng khai thác, tăng cường hoạt động kích cầu tiêu dùng, mở rộng các khu vực Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, miền Trung - Tây Nguyên đã có chương trình hợp tác.
Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Trong phần kết luận hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên dành nhiều thời gian trao đổi về kỷ cương công vụ và khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhìn nhận thành phố vốn dĩ là địa phương có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng gần đây, điều này gần như không còn nữa. Một thực tế đáng lo ngại là DN, người dân vẫn còn than phiền nhiều về sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Nên nói rằng bản thân cũng nhận nhiều thông tin phản ánh về sự e dè, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Dù thời điểm này, cán bộ, công chức có nhiều tâm tư cả tích cực lẫn tiêu cực nhưng đều phải làm đúng chức trách được giao. "Dám nghĩ, dám làm trước hết là phải dựa trên phận sự, công việc phải làm và cần làm. Nếu vì e ngại mà né tránh, hoặc không dám làm việc phải làm thì liệu có xứng đáng không?", ông Nên đặt câu hỏi.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận khi tăng cường kỷ luật, kỷ cương buộc mọi người phải hành động theo chức trách nhiệm vụ được giao. Dù vậy, nhiều cán bộ, công chức không làm vì sợ sai. Ông Nên khẳng định tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy sẵn sàng chịu trách nhiệm cho cán bộ gặp rủi ro khi "hành động vì nước, vì dân, vì sự nghiệp chung". Theo đó, khi công việc xuất hiện tình huống phát sinh, cán bộ phải xem xét kỹ trách nhiệm ở đâu, thẩm quyền thế nào, việc gì còn thiếu. Nếu trong thẩm quyền thì giải quyết, việc còn băn khoăn thì báo cáo lãnh đạo quản lý, việc vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. "Quan trọng là phải trả lời dứt khoát được hay không được, chứ ngâm rồi để đó, thì không biết chờ đến khi nào", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.