Vào đầu giờ sáng 5/4 theo giờ Hà Nội, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 2.017,92 USD/ounce. Trước đó, nó đã tăng lên 2.024,89 USD/ounce – mức giá mà người ta đã không còn thấy kể từ tháng 3/2022. Trong khi đó, giá vàng theo kỳ hạn của Mỹ tăng lên 2.038,2 USD/ounce.
Vàng không phải kim loại quý duy nhất tăng giá. Bạc tăng 3,8% lên 24,91 USD/ounce, bạch kim tăng 3,3% lên 1.017,91 USD/ounce trong khi paladi tăng 0,3% lên 1.456,05 USD/ounce.
Vậy điều gì dẫn tới cú tăng giá của vàng và các kim loại quý. Các chuyên gia cho rằng đồng USD đang yếu hơn cùng với lợi suất giảm trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm hơn. Những lo ngại từ việc dầu tăng giá có vẻ không tác động nhiều tới niềm tin của các nhà đầu tư.
David Meger, lãnh đạo bộ phận giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết: “Giá vàng đang khá tích cực, nhất là khi dữ liệu kinh tế chậm lại cùng áp lực lạm phát không ngừng gia tăng”.
Dữ liệu việc làm mới được công bố cho thấy cơ hội việc làm ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp gần 2 năm trong khi đơn hàng của các nhà máy cũng sụt giảm.
Trong khi đó, giá dầu tăng vọt khi OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng, càng làm trầm trọng thêm nguy cơ lạm phát. Theo truyền thống, vàng vốn được coi là hàng rào chống lạm phát, tránh được áp lực thông thường từ các động thái tăng lãi suất nhằm kiềm chế áp lực tăng giá.
“Từ góc độ kỹ thuật, giá vàng có thể được trì và ổn định ở mức hiện tại hoặc cao hơn. Mốc 2.050 USD/ounce có thể đóng vai trò là ngưỡng kháng cự quan trọng. Nếu bị phá vỡ, giá có thể tăng mạnh và thậm chí vượt qua đỉnh mọi thời đại của vàng”, Alexander Zumpfe, một nhà giao dịch kim loại quý tại Heraeus, cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường đánh giá có 43% khả năng FED sẽ tăng thêm lãi suất 0,25% trong tháng 5. 57% còn lại tin rằng FED sẽ ngừng tăng lãi suất. Nếu FED tăng lãi suất, giá vàng có thể sẽ chịu tác động. Tuy nhiên, nếu ngược lại, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Tham khảo: Reuters