Với việc kết nạp Phần Lan, NATO đã tăng gấp đôi biên giới với Nga và tiếp cận với một quân đội hùng mạnh có lịch sử chống Nga mạnh mẽ. Đối với Phần Lan, nước này có thể kêu gọi toàn bộ thành viên NATO hỗ trợ nếu bị Nga tấn công.
Giờ đây, theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, "NATO sẵn sàng để bảo vệ Phần Lan và điều đó làm cho Phần Lan an toàn hơn và mạnh mẽ hơn, và tất cả chúng ta an toàn hơn".
Thêm sức mạnh
Đến nay, nhiều chi tiết về việc Phần Lan gia nhập NATO vẫn đang được thảo luận. Trong số các vấn đề cấp bách nhất, chính phủ mới của Phần Lan, hiện vẫn chưa thành lập sau cuộc bầu cử vào cuối tuần trước, sẽ quyết định liệu nước này có chấp nhận quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình, hay thậm chí là vũ khí hạt nhân của các đồng minh hay không.
Nhưng tư cách thành viên của Phần Lan đã bổ sung thêm một trong những quân đội hùng mạnh nhất của Tây Âu vào liên minh, cũng như khả năng tình báo và giám sát biên giới.
Lực lượng pháo binh của Phần Lan là lực lượng lớn nhất và được trang bị tốt nhất trong số các thành viên NATO ở châu Âu. Nước này có 1.500 khẩu pháo, bao gồm 700 pháo howitzer, 700 súng cối hạng nặng và 100 hệ thống phóng tên lửa, theo một phân tích được công bố vào năm ngoái.
Ngoài ra, NATO sẽ tiếp cận được các cảng, không phận và đường biển của Phần Lan, điều này sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của liên minh.
"Về mặt địa lý, việc họ gia nhập liên minh sẽ tạo thêm một đường biên giới rộng lớn, khó bảo vệ, làm phức tạp thêm tính toán của (Tổng thống Nga) Putin. Một điểm cộng rất lớn cho NATO" - báo New York Times dẫn lời ông James G. Stavridis, cựu chỉ huy quân sự của NATO, nhận định.
Kết thúc kỷ nguyên không liên kết quân sự
Do lo ngại Nga, Phần Lan và Thụy Điển vẫn giữ sự trung lập sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng kỷ nguyên không liên kết quân sự chấm dứt khi năm ngoái hai nước nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga đưa quân sang Ukraine. Đáp lại, Nga cho biết sẽ tăng cường phòng thủ gần biên giới dài 1.300km với Phần Lan.
Phần Lan sẽ mất một thời gian để hội nhập hoàn toàn vào cơ cấu chỉ huy của NATO. Các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ liên minh mới ở Helsinki sau cuộc bỏ phiếu ngày 2-4 dự kiến sẽ mất nhiều tuần.
Matti Pesu, chuyên gia an ninh tại Viện Quan hệ quốc tế Phần Lan, cho biết nước này phải học cách suy nghĩ tập thể và điều chỉnh chiến lược quân sự một cách phù hợp. Helsinki cũng phải suy nghĩ về chiến lược hạt nhân và lập trường đối với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, khi giờ đây nước này sẽ được chiếc ô hạt nhân của Mỹ che chở.
Theo ông Pesu, Phần Lan sẽ tăng cường mối quan hệ quốc phòng với các nước như Anh, Estonia, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ trong thời gian tới. Và chính sách đối với Nga của họ sẽ ngày càng dựa vào tập thể thay vì dựa vào năng lực của chính mình.
"Vào những thời điểm như thế này, bạn bè và đồng minh quan trọng hơn bao giờ hết. Phần Lan hiện có những người bạn và đồng minh mạnh nhất trên thế giới", ông Stoltenberg nói.
Nga chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả
Phản ứng về việc Phần Lan gia nhập NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố nước này đang chuẩn bị các biện pháp để đáp trả trong nhiều kịch bản, trong đó gồm khả năng các thành viên NATO triển khai lực lượng ở Phần Lan.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev chỉ trích việc kết nạp NATO không giúp đảm bảo an ninh cho châu Âu, vì xung đột hiện tại ở Ukraine là do NATO mà ra.
"Chúng tôi sẽ bình tĩnh công bố chúng tôi sẽ làm gì để phản ứng khi thời gian chín muồi", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói trên kênh Rossiya-24, khẳng định Nga sẽ không vội đáp trả.
Nga tuyên bố sẽ "đáp trả" chuyện Phần Lan gia nhập NATO, trong khi Mỹ và đồng minh hoan nghênh việc này, đồng thời cho rằng đây là hệ quả do chính Nga gây ra.
Xem thêm: mth.45570930150403202-otan-ohc-ua-yat-tahn-cab-hnam-gnuh-iod-nauq-gnus-ob-nal-nahp/nv.ertiout