Phải nộp tiền "cọc" bằng 20% giá khởi điểm
Nghị định 10 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai vừa được Chính phủ ban hành đã bổ sung về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Theo đó, doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải có khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án khi đấu giá thành công.
Khi tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của khu đất, thửa đất; nếu đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện tương tự như doanh nghiệp.
Từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá đất, khoản tiền đặt trước và lãi (nếu có) của doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá sẽ được chuyển thành tiền cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Khi người trúng đấu giá đất không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại cọc. Nếu nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả tiền chênh lệch.
Cũng theo nghị định, trong 120 ngày từ khi có quyết định công nhận kết quả, người trúng đấu giá đất không nộp hoặc nộp không đủ tiền thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất.
Nếu người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì trong 5 ngày, cơ quan tài nguyên môi trường sẽ trình cấp giấy chứng nhận hoặc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao trên thực địa.
Giúp ổn định thị trường, tránh đầu cơ, thổi giá
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc quy định cứng phải "cọc" trước khoản tiền bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là phù hợp.
Ông Lâm phân tích thực tế, thời gian qua việc để ở mức "cọc" từ 5-20%, thậm chí có nơi chỉ từ 3-5% là quá thấp, dẫn đến tình trạng bỏ cọc đấu giá đất tăng cao ở một số địa phương.
"Việc để mức cọc thấp dễ xảy ra những vụ việc như đấu giá đất ở Thủ Thiêm trước đây của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Doanh nghiệp tham gia đấu giá đất đưa ra mức giá thầu rất cao nhưng sau đó lại xin hủy, bỏ thầu, chấp nhận mất "cọc".
Bởi số tiền "cọc" đó nếu tính ra chỉ rất nhỏ so với mục đích nhằm thổi giá của thị trường lên, giúp các khu đất liên quan theo đà khu đất đã đấu giá xong tăng giá", ông Lâm nêu.
Nam đại biểu chỉ rõ đây được coi là một giải pháp tình thế trong khi đang hoàn thiện dự án Luật đất đai, Luật đấu thầu sửa đổi.
Qua đây giúp ổn định thị trường đất đai, tránh hoạt động thổi giá, đầu cơ, tạo hệ lụy, bong bóng thị trường bất động sản quá lớn, gây nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho nền kinh tế.
"Khi nâng mức tiền "cọc" cao lên sẽ khiến các doanh nghiệp phải xem xét kỹ khi tham gia đấu giá đất, không dám hủy thầu sau khi trúng do giá trị thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.
Giải pháp này của Chính phủ là rất kịp thời, sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bỏ, hủy thầu như vụ việc của Tân Hoàng Minh", ông Lâm nhấn mạnh.
Một cán bộ công tác trong ngành tài nguyên - môi trường cũng chỉ rõ những thay đổi về điều kiện để tham gia đấu giá đất không lớn so với thực tế triển khai thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, với việc quy định "cọc" cứng 20% sẽ khiến các tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá đất, trước khi quyết định mức trả giá cần xem xét kỹ hiệu quả kinh tế và kế hoạch nộp tiền trúng đấu giá để tránh việc bị mất khoản tiền đặt trước.
Nghị định mới của Chính phủ cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua sản phẩm trong các dự án không phải dự án nhà ở, bao gồm công trình lưu trú du lịch trên đất thương mại.