Sáng 5.4, Sở Y tế TP.HCM giao ban các bệnh viện có thực hiện các kỹ thuật về tim mạch sau hơn 3 tuần triển khai Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định 07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Các bệnh viện ráo riết mua sắm
Báo cáo với Sở Y tế TP.HCM, đại diện Bệnh viện An Bình cho biết, gói thầu rộng rãi về vật tư tiêu hao thông thường với hơn 280 mặt hàng của bệnh viện này sắp có kết quả nhưng có khoảng 100 mặt hàng "rớt" do kỹ thuật và tính hợp lệ về hồ sơ (không đạt). Cũng có vài mặt hàng không có nhà thầu tham dự và bệnh viện cũng vướng về báo giá.
Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cũng cho biết, một số mặt hàng gửi lên mạng nhưng không có người chào giá.
Còn Bệnh viện TP.Thủ Đức cho biết, mấy tuần trước có thiếu dịch lọc thận nhưng đã được khắc phục. Tuần qua, bệnh viện thực hiện 2 gói thầu rút gọn và áp thầu, cuối tháng 4 có kết quả.
Tuy nhiên, hiện Bệnh viện TP.Thủ Đức thiếu thuốc hen suyễn dạng xịt nhưng không có thuốc thay thế. Ngoài ra, bệnh viện còn công nợ khá lớn nên việc cung cấp của nhà thầu nhỏ giọt. Tuần này, bệnh viện làm việc với các công ty để cung ứng thuốc.
Bệnh viện Nhi đồng 1 thì cho rằng, các thuốc nhiều năm không có thì nay cũng không có, đó là các thuốc hiếm nhưng bằng nhiều nguồn, bệnh viện vẫn cố gắng xoay được. Vật tư trang thiết bị y tế thì bệnh viện ráo riết đấu thầu để mua.
"Riêng một số vật tư cần thiết cho kỹ thuật ECMO mua hơi khó khăn, lý do các nguồn hàng nhập về chưa kịp (dù đã trúng thầu rồi). Bệnh viện chỉ còn ít thuốc Albumin điều trị bệnh tim phức tạp, tim sơ sinh. Hiện thuốc này sắp cạn kiệt, nghe thông tin khoảng 2 tháng nữa không còn", bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo.
Ngoài ra, thuốc Gamma globulin trị bệnh Kawasaki, bệnh tay chân miệng, xuất huyết giảm tiểu cầu… thì bệnh viện còn số lượng rất ít, trong khi các công ty báo thuốc đang khan hiếm.
Bệnh viện Q.Gò Vấp có kết quả gói thầu xét nghiệm từ tháng 2 nhưng bệnh viện đang thiếu một số hóa chất và sẽ làm gói mua sắm trực tiếp. Hóa chất xét nghiệm còn lại thực hiện sẽ đến hết tháng 4. Ngoài ra, một số mặt hàng không tìm được giá nên khó khăn trong làm dự toán, chưa kể một số nhà thầu còn lúng túng khi đấu thầu qua mạng.
Trước đó, chia sẻ với PV Thanh Niên, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, đến nay, bệnh viện đã mua sắm được dụng cụ đinh, nẹp, vít… cơ bản đủ. Tuy nhiên, về lâu dài thì còn phải xem nhà cung ứng có cung cấp đầy đủ hay không. Đối với thuốc, bệnh viện không mua được 1 - 2 loại do không có nhà thầu tham gia và bệnh viện cũng đã có báo cáo Sở Y tế TP.HCM.
Phải đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế
Các vấn đề về vật tư, trang thiết bị y tế của các bệnh viện đã được Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn mua sắm, tháo gỡ.
"Sở Y tế đã nắm được tình hình các bệnh viện báo thiếu thuốc Albumin. Hiện thuốc này tại một số đơn vị trúng thầu ở một số địa phương và vẫn còn, các bệnh viện cần thì sở sẽ điều chuyển. Giải pháp là mua sắm Albumin với nhà cung cấp khác nếu nhà cung cấp hiện tại không có. Còn thuốc Gamma globulin Sở Y tế sẽ tìm hiểu lại", đại diện Phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM thông tin.
Kết luận, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề nghị các bệnh viện phải đảm bảo đủ vật tư để cấp cứu và khám chữa bệnh.
"Lãnh đạo các bệnh viện đánh giá lại tồn kho các mặt hàng đang chờ gói thầu rộng rãi mà chưa lựa chọn được. Xem các mặt hàng còn bao nhiêu, nhóm nào chờ được, nhóm nào phải đáp ứng ngay và mua bổ sung bằng các hình thức hợp pháp. Nếu các bệnh viện có bất kỳ khó khăn gì thì trao đổi ngay với Sở Y tế. Mục tiêu không để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn TP.HCM", TS-BS Nguyễn Anh Dũng chỉ đạo.