Phương án dời cây xanh đã được thông qua
Theo đó có gần 1.100 cây xanh được di dời và hơn 200 cây được đốn hạ. Những cây này thuộc giống bàng, xà cừ, lim, giáng hương… được trồng khoảng 20 năm đổ lại.
Phía cơ quan chức năng cho biết cây xanh sau khi được cắt cành sẽ được đưa về nuôi dưỡng tại vườn ươm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao An Phú), cho biết phương án thi công buộc phải di dời cây xanh.
Phương án này đã được TP và các sở ngành thông qua. Việc di dời, bứng dưỡng cây xanh là cần thiết để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Có mặt bằng mới thi công được các hạng mục, nhất là phần ngầm.
Tăng mảng xanh, trồng nhiều cây xanh bù đắp lại
Về việc di dời, đốn hạ, bứng dưỡng cây xanh tại khu vực này, ông Phúc cam kết khi hoàn thành sẽ tăng cường mảng xanh, cây xanh để bù đắp lại.
"Trong thiết kế, dự án sẽ xây dựng đảo trung tâm, tháp biểu tượng cùng các hạng mục khác. Điển hình như hồ nước, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật phù hợp theo phương án thiết kế kiến trúc. Tại khu vực này sẽ có nhiều mảng xanh kết nối với các mảng xanh, công viên xung quanh.
Vừa rồi khi khảo sát dự án, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu chúng tôi phải xây dựng nút giao An Phú trở thành một biểu tượng. Đây sẽ là một điểm đến ấn tượng để phục vụ người dân tham quan, vui chơi. Do đó chúng tôi rất chú trọng về mặt mỹ thuật. Đồng thời giữ tối đa, thậm chí là tăng nhiều hơn mảng xanh cho công trình", ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng chia sẻ thêm việc thi công bất kỳ công trình nào cũng phải cần mặt bằng. Việc di dời cây xanh này rất mong người dân thông cảm với chủ đầu tư.
Dự án xóa điểm nghẽn "căng thẳng" nhất TP.HCM
Dự án có vốn đầu tư 3.408 tỉ đồng với quy mô xây dựng 3 tầng. Dự án có phần đường 10-12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe.
Sau khi hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30-4-2025, nút giao An Phú được kỳ vọng trở thành nút giao thông lớn nhất, đẹp nhất TP.HCM.
Nút giao này sẽ xây dựng hầm chui kết nối đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn). Hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.
Ngoài ra sẽ xây dựng thêm 2 cầu vượt gồm 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cùng với đó là 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội).
Tại mặt đất sẽ xây dựng đảo trung tâm và tháp biểu tượng cùng các hạng mục như hồ nước, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật phù hợp theo phương án thiết kế kiến trúc.
Còn tại khu vực nút giao Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống sẽ xây dựng 2 cầu vượt kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại. Xây dựng thêm cầu giữa 2 cầu Giồng Ông Tố hiện hữu.
Ngoài ra, các hạng mục tiểu đảo, cầu bộ hành, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống báo hiệu giao thông… sẽ được xây dựng đồng bộ.
TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sẽ đốn bỏ, di dời 123 cây xanh ở 2 dự án mở rộng đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Xem thêm: mth.92821523150403202-uhp-na-oaig-tun-mal-ed-hnax-yac-003-1-noh-gnoud-gnub-iod-id/nv.ertiout