Ngày 5-4, ghi nhận tại cầu bộ hành Nguyễn Thái Học, phía bờ thuộc phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang có hàng chục công nhân, kỹ sư đang thực hiện lắp ráp giàn giáo để thay đổi phương án giám định cầu bộ hành. Từ sáng sớm, nhiều khung thép đã được tập kết tại đầu cầu, công nhân tiến hành lắp giàn giáo để lắp đặt thêm tấm cao su tải trọng nhằm tiến hành đo thử tải.
Sử dụng nước đo thử tải
Xung quanh hai đầu cầu và khu vực dạ cầu, nơi công nhân đang làm việc được giăng dây cảnh báo, hạn chế người ra vào khu vực đang được thi công lắp đặt các thiết bị để giám định. Công an TP Long Xuyên cũng có mặt tại khu vực công trình để theo dõi, đảm bảo an ninh, hạn chế người dân đến gần khu vực đang thi công.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Hùng - phó trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam - cho biết đã huy động 20 người tham gia việc lắp đặt thiết bị giàn giáo chuẩn bị cho việc đo tải tĩnh, không còn thử tải động như phương án ban đầu. Đơn vị đã chọn phương án sử dụng nước để đo tải, thay thế phương án huy động 400 người vừa qua.
"Hiện nay, các anh em đang lắp đặt giàn khung thép có tấm bạt để đảm bảo đúng chiều dài, chiều ngang của chất tải (tạo thành ô chứa nước - PV). Sau đó, đưa nước vào từ từ rồi tăng lên để xem khả năng chịu tải cầu, nó có nguy hiểm gì không, chứ không thể tăng tải trọng một lần được", ông Hùng nói.
Cầu bộ hành có thể chứa 5.000 người
Theo ông Hùng, tải trọng thiết kế cầu bộ hành này cho phép 410kg/m2 (tương đương 6 người/m2). Do đó, đơn vị nâng tải từ từ theo dạng 100kg, 200kg... Đơn vị sẽ thử 3 đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 30m. "Do thay đổi phương án nên hiện tại chúng tôi cho anh em hàn khung thép, tạo khung chứa nước để đo tải trọng. Phương án này chậm hơn so với phương án trước. Có thể trong ngày 7-4, mới giám định tải trọng cầu bộ hành", ông Hùng nói thêm.
Cận cảnh nhóm công nhân lắp đặt giàn giáo, chuẩn bị cho việc tạo bồn chứa nước để đo tải trọng cầu bộ hành - Video: ĐẶNG TUYẾT
Trước ý kiến dư luận bàn tán việc sử dụng người để đo tải trọng cầu, ông Phạm Văn Hùng nói thêm: "Đôi khi nhiều thông tin làm người ta sợ nhưng thực tế cầu này có thể chứa 5.000 người. Nếu tính với hệ số an toàn phải nhân thêm 1,75 nữa thì cầu này có thể chứa được gần 10.000 người. Vì nhiều cầu nói tải trọng 10 tấn nhưng xe đi qua cầu đó có tải trọng 15 tấn cũng đâu có sao".
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, TP Long Xuyên dự kiến huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc dự án cầu Nguyễn Thái Học theo đề nghị của Công an An Giang, để điều tra dấu hiệu "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" tại công trình cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học.
Tuy nhiên, sau khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và nhân dân trong và ngoài tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo dừng việc huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc dự án cầu Nguyễn Thái Học. Đồng thời yêu cầu TP Long Xuyên và Công an tỉnh An Giang bàn bạc với Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam thay đổi phương án.
Tối 4-4, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - xác nhận đã chỉ đạo dừng việc huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc dự án cầu Nguyễn Thái Học.
Xem thêm: mth.42983850150403202-coh-iaht-neyugn-hnah-ob-uac-gnort-iat-uht-coun-gnud/nv.ertiout