vĐồng tin tức tài chính 365

Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Cần đẩy nhanh

2023-04-06 08:18

Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân tại khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại đô thị vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án là niềm hy vọng để người dân sở hữu nhà ở với giá thành rẻ hơn, góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Khuyến khích mạnh chủ đầu tư

Theo đề án, Chính phủ nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NƠXH và sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

Việc dành quỹ đất làm dự án cũng sẽ được sửa đổi theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng NƠXH trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo quỹ đất; bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú cho công nhân.

Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Cần đẩy nhanh  ảnh 1

Dự án nhà ở xã hội @Home tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Về vốn, trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân vay. Lãi suất thấp hơn 1,5%-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về NƠXH của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2030 cả nước sẽ hoàn thành hơn 1 triệu căn NƠXH, trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 428.000 căn, giai đoạn năm 2025 hoàn thành hơn 634.000 căn.

Đặc biệt, đề án cũng chỉ rõ sẽ có nhiều ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư dự án NƠXH. Cụ thể, Chính phủ sẽ sửa quy định “các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau năm năm đưa vào sử dụng” theo hướng không bắt buộc chủ đầu tư phải dành quỹ nhà ở để cho thuê. Phương án kinh doanh do chủ đầu tư quyết định. Đối với phần 20% diện tích đất thương mại trong dự án NƠXH DN được hạch toán riêng, được tính các chi phí hợp lý vào giá nhà. Đồng thời, sửa đổi pháp luật về thuế để giảm thuế nhiều hơn cho các chủ đầu tư.

Để đề án thành hiện thực

Hiện nay, nguồn cung NƠXH đang thiếu trầm trọng. Cả nước đã hoàn thành khoảng 301 dự án với quy mô gần 156.000 căn, đang triển khai 401 dự án với quy mô hơn 454.000 căn. Kết quả này mới đạt khoảng 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một DN chuyên làm NƠXH tại miền Bắc cho hay hiện nay thị trường đang rơi vào trạng thái bất hợp lý, thừa sản phẩm ở phân khúc cao cấp, thiếu sản phẩm vừa túi tiền.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa việc làm NƠXH mà đề án đưa ra là vô cùng hợp lý. “Tuy nhiên, các thủ tục, quy định có hết rồi nhưng để thực hiện cần vai trò của địa phương, các tỉnh, thành có chú trọng đẩy nhanh và mạnh phát triển NƠXH hay không, có dành quỹ đất sạch, mời gọi đầu tư hay không…” - đại diện DN này chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long, trên thực tế DN phát triển dự án NƠXH hay nhà ở thương mại giá rẻ tới đâu là bán hết tới đó. Chính sách phát triển 1 triệu căn NƠXH đi kèm với việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng và lãi suất vay thấp hơn mặt bằng là quá tốt đối với phân khúc này.

Tuy nhiên, đối với NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ cần có thêm những đột phá về chính sách và thủ tục hành chính liên quan. Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình, tính toán để tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, mật độ dân số so với tiêu chuẩn hiện hành.

Bên cạnh đó, nên triển khai các gói tài chính ưu đãi cho các đối tượng mua NƠXH. Bản chất không phải Nhà nước tài trợ tài chính mà chỉ xây dựng chính sách để các quỹ đầu tư, quỹ tài chính được phối hợp với người mua nhà và DN để tạo ra gói hỗ trợ.

Góp ý thêm, ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh, nhận định nhiều chính sách về NƠXH được đưa ra khá hợp lý, tạo điều kiện khuyến khích chủ đầu tư.

“Chính sách ưu đãi đã có nhưng để triển khai nhanh dự án thì cần các cơ quan, địa phương tạo điều kiện về thủ tục pháp lý nhanh nhất có thể. Áp dụng cải cách thủ tục hành chính, minh bạch trong quy trình và rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục thì mới thật sự tạo điều kiện cho DN” - ông Thiện nói.

Cần kéo dài thời gian vay ưu đãi và lãi suất thấp hơn

Cùng với đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ việc phát triển NƠXH.

Hoan nghênh chương trình này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đã kiến nghị thêm về lãi suất cho vay. Theo đó, HoREA nhận thấy lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi áp dụng từ nay đến ngày 30-6-2023 là 8,2%/năm đối với người mua nhà vẫn là cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua NƠXH được quy định tại Quyết định 2081/2022 của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Hơn nữa, thời hạn áp dụng ưu đãi chỉ năm năm là còn ngắn. Điều này chưa phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về NƠXH là cho vay với lãi suất thấp trong thời hạn dài. Luật Nhà ở năm 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa đến 25 năm.

Hiệp hội nhận thấy khi hết thời gian ưu đãi, người mua NƠXH phải vay với lãi suất thương mại bình thường thì sẽ là gánh nặng cho họ bởi đối tượng vay đều là người có thu nhập thấp, công nhân lao động. Do đó, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình, hợp lý hơn.

QUANG HUY - TRỌNG PHÚ

Xem thêm: lmth.024727tsop-hnahn-yad-nac-ioh-ax-o-ahn-nac-ueirt-1-na-ed/nv.olp

“Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Cần đẩy nhanh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools