Tích lũy đủ dày trước ngày khởi nghiệp nhượng quyền
Về nghề, Tin và Hải là thế hệ thứ 3 trong gia tộc có truyền thống phở, khi từ năm 1982, ông ngoại của họ - ông Trần Cường, đã mở quán phở có tiếng tại Hà Nam - Nam Định. Tới năm 1992, ông dừng bán, cùng gia đình vào TP.HCM lập nghiệp. Mẹ Tin - bà Trần Thị Lan - tuy thiên về kinh doanh buôn bán nhưng vẫn gìn giữ nghề gia truyền, rèn luyện tay nghề không ngừng, gửi gắm yêu thương qua những bữa ăn thật ngon cho chồng con.
"Phở là khởi nguồn, là linh hồn của đại gia đình chúng tôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với hương vị này, vì vừa dứt sữa là ăn phở", Tin nói.
Về kiến thức và kinh nghiệm, cả hai anh em được học cả trong và ngoài nước và trong quá trình học lại bén duyên với cái nghiệp đồ ăn thức uống (FnB). Hải làm thêm cho doanh nghiệp nước ngoài, Tin làm trong nước, vừa làm vừa học hỏi.
Về cột mốc sự nghiệp, hai anh em đã trở thành cặp đôi đoạt giải Hoa Hồi Vàng dành cho người nấu phở ngon do báo Tuổi Trẻ tổ chức mùa 2019 & 2020. Hai anh em đã kết hợp sâm ngọc linh nhà trồng và nghề gia truyền để cho ra tô phở Sâm Ngọc Linh.
"Phở Sâm Ngọc Linh có mặt kịp thời đúng giai đoạn đợt dịch, khi mà sức khỏe càng được chú ý cao độ, đã tạo được tiếng vang lớn. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn giữ vững được quyết tâm và phong độ phở này", Tin nói.
Vậy nên ngay khi có ý tưởng quay lại làm nghiệp FnB, với hai anh em, mọi điều kiện đã có đủ cả: nghề ông bà truyền lại, bản thân có kiến thức lẫn kinh nghiệm và đã đạt được những thành tựu được công nhận.
Nhưng ngoài ra, hai anh em còn gặp được một điều may mắn đặc biệt nữa để start-up.
Tầm nhìn chữ S: nhượng quyền sản phẩm Việt ra nước ngoài
"Đến năm 2022, tôi gặp chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân. Cô đến xem thử và thấy cách làm việc của hai anh em, nhìn thấy khả năng và tiềm năng nên đã bắt tay cùng nhau và cho tham gia Go Global - hệ sinh thái chuyên hỗ trợ cho các start-up nhượng quyền. Phở 'S là công ty thứ 7 trong chuỗi và là doanh nghiệp FnB thứ hai trong hệ sinh thái này", Tin nói.
Cả chị Phi Vân và Tin đều có chung một trăn trở: khi thấy Việt Nam nhận nhượng quyền rất nhiều, nhưng ở chiều ngược lại, thương hiệu thuần Việt chưa đưa được ra quốc tế để doanh nghiệp tại đó nhận nhượng quyền, trong khi thị trường này đang rất sôi động trên toàn cầu.
Theo hai người, muốn thương hiệu thuần Việt ra được thế giới, doanh nghiệp phải làm chuyên nghiệp, mỗi người tham gia đều tạo được lợi ích cho xã hội bên cạnh lợi ích cho chính mình. Phở 'S định hướng sẽ áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền như vậy.
Trong mô hình đó, Phở 'S tạo thành quy trình chuẩn, bên nhận nhượng quyền chỉ cần làm theo những công thức quy trình đã nghiên cứu soạn ra. Theo Tin, vấn đề quan trọng là nguyên liệu. Khi nhượng quyền quốc tế, xuất khẩu được thương hiệu thì sẽ xuất được rất nhiều thứ như bánh phở, thịt, dược liệu... ra quốc tế.
"Qua trò chuyện, tôi thấy người nước ngoài rất thích những thứ người Việt được thiên nhiên ban tặng. Đó là lý do tôi đặt thương hiệu Phở 'S - chữ S là hình dáng bản đồ Việt Nam. Ngoài ra, cái tên ngắn gọn dễ đọc với người nước ngoài khi nhượng quyền ra thế giới. Chữ S cũng hàm chứa những nguyên liệu quan trọng của tô phở này: Sâm, Sá sùng và cũng là Sức khỏe".
Tin dự định nhượng quyền ra nước ngoài ở cấp sỉ (master) cho người nhận cấp 1, sau đó họ nhượng lại cho khoảng 100 đầu mối lẻ. Điều này sẽ giúp thương hiệu phở và Việt Nam mở rộng ra nhanh hơn dựa trên tiềm lực bên nhận.
Anh dự định cuối năm nay sẽ nhượng ở các nước Đông Nam Á, đầu tiên là Indonesia và Malaysia, nơi anh đánh giá người dân và doanh nghiệp rất thích nông sản và các món ăn thuần Việt.
"Chúng tôi sẽ mang phở qua và giữ nguyên phong vị mà không cần thay đổi gì", Tin chia sẻ và nói thêm, ngành FnB và siêu thị tiện lợi lại đang phát triển bùng nổ ở các thị trường đó, mở ra cơ hội lớn nếu muốn nắm bắt.
Đối với thị trường trong nước, do phở là món sở trường có mức độ cạnh tranh rất cao nên hành trình nhượng quyền trong nước khó hơn. Thị trường quốc tế đang có cơ hội hơn nên Tin sẽ tập trung nhượng ở nước ngoài trước, vừa làm vừa học, tạo thương hiệu bên ngoài rồi lại quay về Việt Nam.
Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award
Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.
Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó có 2 start-up được hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với trị giá 100 triệu đồng/giải.
Ngoài việc được trao hỗ trợ và vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...
Năm nay, sẽ có khoảng 25 - 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
Trưởng ban tổ chức Tuổi Trẻ Start-Up Award Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng các bạn trẻ đừng nghĩ phải khởi nghiệp với những vấn đề lớn lao, mà hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé gắn với đời sống ngay trước mắt chúng ta.
Xem thêm: mth.71392002150403202-iaogn-coun-ar-neyuq-gnouhn-mahn-ad-pu-trats-auv-s-ohp/nv.ertiout