Thông tin tại buổi họp báo công bố thông tin về tình hình lao động việc làm quý I/2023, ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, mặc dù, kết quả tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% - con số này không cao, song thị trường lao động quý I/2023 vẫn tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Phục hồi chưa thực sự bền vững
Theo đó, ông Nam cho hay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2023 là 52,2 triệu người, tăng 88.700 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 121.000 người; trong khi đó khu vực nông thôn giảm 32.300 người, lực lượng lao động nam và nữ đều tăng, tương ứng tăng 597.900 người và 438.000 người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động ở cả khu vực thành thị, nông thôn và nam nữ đều tăng.
Quý I/2023, tốc độ tăng lực lượng lao động duy trì tại mức 0,2 phần trăm. “Với các biến động tiêu cực từ thị trường lao động cũng như tình hình kinh tế xã hội, lực lượng lao động đang có dấu hiệu tăng chậm lại so với thời điểm sau dịch Covid-19”, ông Nam cho hay.
Đáng chú ý, số người có việc làm nhìn chung trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng so với quý trước, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương như Tp.HCM, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Cụ thể, số lao động có việc làm ở Tp.HCM giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%, điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.
Trong tổng số 51,1 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất với 39%, tương đương gần 20 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng thấp nhất, 27,1%, tương đương 13,8 triệu người.
Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có sự phục hồi khá tốt khi số người làm việc trong khu vực này tăng lên và cùng với đó tỉ lệ lao động phi chính thức trong khu vực này cũng giảm mạnh so với quý trước (giảm 1,4 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, ở khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù số lượng lao động trong ngành có xu hướng tiếp tục phục hồi, tuy nhiên sự phục hồi này còn chưa thực sự bền vững khi số lao động tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức, điều này làm tỉ lệ lao động phi chính thức ở khu vực này tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước.
Tỉ lệ thiếu việc làm quý I/2023 giảm so với quý trước, tuy nhiên tỉ lệ này tăng lên ở vùng Đông Nam Bộ và khu vực công nghiệp - xây dựng.
Theo ông Nam, vùng Đông Nam Bộ là vùng thường có tỉ lệ thiếu việc làm thấp nhất trước khi dịch Covid-19 xuất hiện (dưới 0,6% ở cả 4 quý năm 2019), khi tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉ lệ này đã bị đẩy lên cao tới 7,73% vào quý III/2021 và khi tình hình dịch được kiểm soát tốt, tỉ lệ này giảm xuống 1,6% vào quý I/2022.
Tuy nhiên, đến quý I năm nay, ngược với xu hướng chung của cả nước là quý này giảm so với cùng kỳ năm trước thì tỉ lệ thiếu việc làm ở vùng này tăng lên.
“Điều này chứng tỏ tình trạng thiếu đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn ở vùng Đông Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2023 đã ảnh hưởng tới tình trạng thiếu việc làm của người lao động”, ông Nam nhấn mạnh.
1,05 triệu lao động thất nghiệp
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 người so với quý IV/2022, cũng như giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Dù tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước giảm, song tỉ lệ thất nghiệp tại 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ lại có xu hướng tăng cao.
Cụ thể, quý I/2023, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long với 2,64%, tương ứng với gần 220.000 người thất nghiệp. Tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ với 2,63%, tương ứng với gần 263.000 người thất nghiệp.
Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý I là 7,61%, giảm 0,09 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,46%, cao hơn 2,81 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, tình trạng địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý I/2023. Điều này dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I/2023 có giảm 2.000 người so với quý IV/2022 song vẫn ở mức là gần 294.000 người.
Số lao động bị giãn việc trong 3 tháng đầu năm đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI (chiếm 83,8%). Trong đó, tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, dệt may 18,8%. Cũng như tập trung ở một số địa phương như: Bắc Giang (16.000 người), Ninh Bình (19,7 nghìn người), Thanh Hóa (62.400 người), Tây Ninh (khoảng 21.800 người), Bình Dương (khoảng 36.400 người), Đồng Nai (khoảng 35.000 người), Tp.HCM (khoảng 19.800 người).
Trong khi đó theo thống kê, trong quý I/2023, cả nước có đến 149.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp (so với 118.000 lao động bị mất việc trong quý IV/2022). Trong đó, tập trung đa số ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử.
Cũng như chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32.600 người), Bình Dương (khoảng gần 21.700 người), Bắc Ninh (14.000 người), Bắc Giang (khoảng 7.700 người)....