Quy định mặt hàng bình ổn giá trong luật được nhiều đại biểu cho ý kiến, yêu cầu cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch. Theo dự thảo luật, mặt hàng này phải đáp ứng 2 tiêu chí là mặt hàng thiết yếu và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.
"Cần thiết phải quy định danh mục các hàng hóa dịch vụ, thế nào là hàng hóa dịch vụ thiết yếu? Chúng ta thấy thời điểm dịch bệnh vừa qua, một số mặt hàng có thể trong điều kiện bình thường không phải là điều kiện thiết yếu nhưng trong điều kiện dịch bệnh, cấp thiết nó lại trở thành thiết yếu như khẩu trang y tế. Vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu trong các mặt hàng dịch vụ thiết yếu cần có sự linh hoạt từng thời điểm, đặc biệt trong các điều kiện cấp thiết", bà Hoàng Thị Thanh Thúy - đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề xuất.
Liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, các đại biểu cho rằng vẫn cần duy trì quỹ này nhưng phải có cơ chế quản lý rõ ràng hơn.
Ông Tạ Văn Hạ - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết: "Doanh nghiệp người ta được trích, đang quản lý quỹ bình ổn giá này nó sẽ không công khai, không minh bạch, không rõ ràng, mà thậm chí doanh nghiệp cũng kêu khổ. Cần xây dựng kho dự trữ xăng dầu của Nhà nước để bình ổn giá. Tôi cho rằng điều này cần phải xem xét một cách nghiêm túc".
"Quỹ xăng dầu hiện nay giao cho doanh nghiệp quản lý, theo tôi là không hợp lý, phải giao cho Nhà nước, đặc biệt của Bộ Tài chính. Theo kinh tế thị trường đúng ra là không nên duy trì quỹ này. Chính phủ phải có lộ trình và có một thời gian thích hợp nào đó để không sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu này nữa", ông Phạm Văn Hòa - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
VTV.vn - Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!