Lâu nay, việc bán hàng rong, ăn xin, xin tiền đểu… vốn không lạ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, tình trạng này ngày càng có xu hướng phát triển, ảnh hưởng không tốt đến bộ mặt văn hóa của thành phố.
Lôi kéo chụp ảnh rồi xin tiền đểu
"Lúc đầu anh đó nói với tôi xin một tấm hình và cho tôi một cây kẹo. Chúng tôi chụp vài tấm ảnh, sau đó anh hỏi tôi có mấy đồng không, cho xin một ít. Tôi nghĩ họ cũng mưu sinh nên cho mỗi người 10.000 đồng".
Đó là lời kể của bạn Thanh Thúy (17 tuổi) khi bị "chuột Mickey" và "Tôn Ngộ Không" bắt chụp ảnh rồi giở trò xin tiền đểu dưới hình thức bán kẹo tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Theo đó, khoảng 20h, tại trung tâm phố đi bộ xuất hiện hai thanh niên mặc trang phục mascot chuột Mickey và Tôn Ngộ Không. Họ liên tục di chuyển, lôi kéo khách tham quan chụp ảnh. Sau khi đã chụp ảnh, nhóm người này dúi kẹo vào tay khách và bắt đầu xin tiền dưới dạng "tùy tâm".
Ông Minh Dũng (Việt kiều Úc) chia sẻ: "Chúng tôi cho họ 10.000 đồng, họ chê và đòi lấy 20.000 đồng. Họ nói là sinh viên nên chúng tôi giúp. Tôi và con tôi ở nước ngoài, thấy họ làm như vậy là mất phong cách người Việt Nam hết.
Thà họ nói trước rằng mình là sinh viên, chúng tôi chụp với họ rồi ủng hộ kẹo thì chúng tôi chấp nhận. Đằng này họ nhảy vào kêu chụp, mọi người nghĩ rằng chụp miễn phí nên chụp thoải mái, rồi họ lại xin tiền".
Theo quan sát, nhóm người này chỉ tập trung lôi kéo "con mồi" là trẻ em và phụ nữ vì các đối tượng này dễ tiếp cận và mua hàng.
Tuổi Trẻ Online cũng ghi nhận thêm một trường hợp xin đểu công khai khác. Lần này, người xin đểu là một người đàn ông lớn tuổi.
Ông có mặt tại phố đi bộ từ chiều, đi dọc theo dãy ghế có khách tham quan ngồi và chắp tay van xin, liên tục lặp đi lặp lại câu nói: "Cho ông già mười ngàn đi, ông già đói quá".
Chị Huỳnh Kiều (35 tuổi) cho biết lần nào ra phố đi bộ cũng gặp người đàn ông trên. Dù biết ông đã xin tiền của nhiều người, nhưng chị vẫn lấy tiền ra cho vì ông sẽ đứng nài nỉ mãi nếu chưa moi được tiền.
Khi đã đi hết một lượt với số tiền kha khá, người đàn ông liền biến mất trong đám đông. Đến khoảng một giờ sau, ông quay trở lại và thực hiện loạt hành động như trước đó.
Hàng rong, 'chặt chém', xả rác ở phố đi bộ
Ngoài xin tiền đểu, việc các gánh hàng rong lấn chiếm không gian lối đi cũng thường xuyên xuất hiện tại phố đi bộ.
Ngay từ chiều, nhiều xe hàng rong đã chọn sẵn vị trí và hiên ngang bày hàng tại đây. Càng về đêm, số lượng xe hàng rong ngày một nhiều. Đặc điểm chung giữa các xe là thay đổi địa điểm liên tục.
Người bán hàng cũng luôn trong tư thế sẵn sàng dọn hàng chạy đi khi thấy lực lượng đô thị. Chỉ trong một buổi tối, các người bán đã phải chạy ít nhất 7 lần. Nhưng khi lực lượng đô thị vừa qua, họ lập tức trở lại bán bình thường.
Nói về chất lượng các gánh hàng rong này, chị Huỳnh Kiều cho biết từng mua ly trà đào với giá 50.000 đồng. Theo đó, ly nước có hai miếng đào nhỏ và vị giống "nước lã có đường".
Vị khách tham quan này còn nói sẽ không mua hàng tại phố đi bộ lần hai vì giá đồ uống ở đây tương đương với các thương hiệu nổi tiếng nhưng chất lượng lại kém.
Ngoài những xe hàng rong gây mất trật tự, tại hai bên phố đi bộ có nhiều người dân đỗ xe không đúng chỗ. Vì để tiện lợi, nhiều người chọn dựng xe gần chỗ ngồi, mặc cho gần đó có nhiều địa điểm gửi xe. Điều này góp phần gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, theo chứng kiến của ông Minh Dũng, vào những ngày cuối tuần, phố đi bộ thường không đảm bảo vệ sinh do có nhiều người vứt rác bừa bãi.
Ông Dũng hy vọng phố đi bộ có thể sạch hơn, từ đó cải thiện cái nhìn của du khách nước ngoài về cốt cách người Việt. Mặt khác, ông mong những người bán hàng rong ở phố đi bộ có thể buôn bán theo một cách thức hoạt động khác so với tình hình lộn xộn như hiện tại.
TTO - Sau khi bị nhóm người bán hàng rong đánh hội đồng, hai thanh niên bị thương tích nặng, có người gãy răng, gãy xương mũi. Hiện Công an quận 1 đang tạm giữ nhóm bán hàng rong này.
Xem thêm: mth.63775323060403202-euh-neyugn-ob-id-ohp-o-hnah-gnol-mehc-tahc-ued-neit-nix/nv.ertiout