Ngày 6-4, ông Phạm Văn Hùng - phó trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam - có mặt tại hiện trường để cùng với nhóm công nhân đưa nước vào các khung sắt nhằm phục vụ giám định cầu bộ hành Nguyễn Thái Học, dự kiến trong hôm nay sẽ hoàn thành.
Bơm nước vào vị trí các ô bạt nhựa nhằm giám định cầu
Hiện nay, đơn vị đang thuê xe chở nước của Công ty Môi trường đô thị An Giang bơm nước vào vị trí các ô bạt nhựa, có chiều dài hơn 30m. Kết cấu bằng khuôn thép dài 28-33m, chiều ngang 2m, đảm bảo liên tục tải trọng lượng 410kg/m2.
Nước sẽ được bơm từ từ vào các ô đạt mức 200kg/m2, tăng lên 300kg/m2, tối đa 410kg/m2. Trung bình mỗi đoạn cần khoảng 30m3 nước, tương đương gần 5 xe, với giá thuê là 800.000 đồng/xe (có khoảng 7m3 nước/xe).
"Hôm qua 5-4, tôi đã đưa nước vào thử tải ở đoạn 1 rồi, còn hiện nay đang thử tiếp đoạn 2. Chúng tôi cố gắng trong hôm nay sẽ thử tải đoạn 3 là xong. Bây giờ thay đổi phương án nên phụ thuộc vào việc xe vận chuyển nước nhanh hay chậm thôi", ông Hùng nói.
Tuổi Trẻ Online có hỏi về kết quả giám định đoạn thứ nhất đạt yêu cầu chưa và áp dụng phương pháp đo tải tĩnh có đáp ứng được yêu cầu giám định của cơ quan điều tra không?
Ông Hùng nói: "Kết quả giám định đoạn thứ nhất là thông tin mật để phục vụ điều tra và phải tính toán lại. Giám định có nhiều thông số như độ biến dạng, độ võng cầu, độ dao động… đối với phương pháp tải tĩnh, còn với tải động sẽ khác nữa".
Nói về việc huy động 400 người đi qua cầu để thực hiện giám định, ông Hùng giải thích, giả sử có một đoàn người đi qua cầu, chúng ta không cấm hay hạn chế số lượng người, hoặc lấy ví dụ có giải đua ghe dưới sông, trên cầu tập trung mấy ngàn người cùng lúc ai sẽ kiểm soát.
"Nhiều người cũng không biết rằng đây là cây cầu độc nhất Việt Nam, về thiết kế cả ba phương đều cong rất đặc thù và phức tạp; về kết cấu đây là cầu dây văng, tính toán chịu lực khác; hai đầu cầu như đòn cân hai bên, chịu lực ở giữa, bên nào lệch cầu sẽ bị lắc chính, vì vậy nó tạo nên kiến trúc đặc thù, đẹp. Nhưng về mặt kết cấu nó nguy hiểm, tương tự như cái dầm ở giữa hai bên có hai đòn cân, nếu bên nào nặng hơn nó sẽ lắc.
Tôi mô phỏng dòng người đi tham quan qua cầu rồi tôi đo các thông số, người dân đi như bình thường họ đi, tôi lắp thiết bị ở dưới rất nhiều, có gì nguy hiểm là báo động liền để xử lý", ông Hùng nói.
Giám định cầu để phục vụ điều tra
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, TP Long Xuyên dự kiến huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc dự án cầu Nguyễn Thái Học theo đề nghị của Công an An Giang, để điều tra dấu hiệu "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" tại công trình cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học.
Tuy nhiên, sau khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, nhân dân trong và ngoài tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo dừng việc huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc dự án cầu Nguyễn Thái Học. Đồng thời yêu cầu TP Long Xuyên và Công an tỉnh An Giang bàn bạc với Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam thay đổi phương án.
Cầu Nguyễn Thái Học được khánh thành và sử dụng vào ngày 30-4-2021. Cầu Nguyễn Thái Học có tổng mức đầu tư trên 200 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần cầu 12 và Công ty cổ phần vật tư thiết bị và xây dựng 624; Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam là đơn vị tư vấn giám sát.
Tuy nhiên, sau 6 tháng sử dụng, các dầm cầu từ màu trắng đã chuyển sang màu đen loang lổ khắp nơi dưới gầm cầu. Đơn vị thi công đã giặm vá, bảo trì. Các ngành chức năng tỉnh An Giang vào cuộc để kiểm tra xử lý.
Tối 4-4, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - xác nhận đã chỉ đạo dừng việc huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc dự án cầu Nguyễn Thái Học.
Xem thêm: mth.71040952160403202-hnah-ob-uac-hnid-maig-ed-auhn-tab-o-oav-coun-od-nob-ex-euht/nv.ertiout