Trước sự lạc hậu của hạ tầng đường sắt quốc gia, Ban chấp hành Trung ương vừa có kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm đáng chú ý là việc Bộ Chính trị đưa ra định hướng làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và xem đây là trục “xương sống”.
“Mở đường” để đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Kết luận của Bộ Chính trị xác định một quan điểm rất quan trọng đó là mang đến một nhận thức chung về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của vận tải đường sắt. Từ đó đưa ra một chiến lược cụ thể là xây mới một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tiếp tục đầu tư khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện hữu.
Bám sát định hướng trên, Bộ GTVT đang thực hiện tổng kết Luật Đường sắt 2017, để tiến tới sửa luật này nhằm “mở đường” cho việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong báo cáo tổng kết Luật Đường sắt, Bộ GTVT cho biết đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, phát triển đường sắt tốc độ cao của 20 nước đang khai thác, cho thấy đầu tư đường sắt tốc độ cao có chi phí lớn nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại khá cao.
Chiến lược cụ thể là xây mới một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tiếp tục đầu tư khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện hữu. Ảnh minh họa: VIẾT LONG |
Thừa nhận đường sắt tốc độ cao không thể thu hồi vốn cho dự án nhưng Bộ GTVT cho rằng lợi ích dự án mang lại chủ yếu là gián tiếp. Chẳng hạn như tái cấu trúc không gian phát triển, giảm ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo ra nguồn lực mới cho phát triển đô thị, kích thích phát triển du lịch…
Do vậy, mô hình đầu tư của các quốc gia chủ yếu là đầu tư công như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Một số tuyến có sự tham gia của tư nhân để đầu tư phương tiện với giá trị khoảng 10%-20%, chẳng hạn như Nhật Bản, Ý. Tuy nhiên, một số dự án tư nhân tham gia nhưng sau đó Nhà nước phải mua lại hoặc tăng vốn ngân sách tham gia góp vốn.
Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng việc sửa luật sẽ hướng đến việc phát triển đường sắt tốc độ cao theo hướng hiện đại để vận tải cả hàng hóa và hành khách, có khả năng nâng cấp tốc độ cao hơn trong tương lai. Tiếp tục đầu tư đường sắt hiện hữu và đầu tư các tuyến mới kết nối với cảng biển, trung tâm kinh tế lớn.
Cụ thể, dự luật sẽ bổ sung quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao. Quy định rõ các nội dung ưu đãi, hỗ trợ trong việc đầu tư kết cấu xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác, bảo trì đường sắt tốc độ cao, phát triển nguồn nhân lực…
Hoàn thành đường sắt tốc độ cao trước năm 2045
Về tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết hiện nay Hội đồng thẩm định Nhà nước (HĐTĐNN) đang thực hiện công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trong đó, tập trung vào 2/4 kịch bản Bộ GTVT đề xuất.
Theo báo cáo mới đây của HĐTĐNN, tư vấn đề xuất lựa chọn kịch bản 2, làm mới một tuyến đường sắt, điện khí hóa để khai thác chung tàu hàng và tàu khách với tốc độ thiết kế tối đa 180-250 km/giờ, khai thác tốc độ 160-225 km/giờ. Tuyến hiện hữu nâng cấp để chở hành khách liên vùng (chở hành khách địa phương) và tàu hàng container với vận tốc 180 km/giờ.
Tổng mức đầu tư dự án là 61,67 tỉ USD, tương đương trên 1,4 triệu tỉ đồng. Theo Bộ GTVT, dự án trên có quy mô, kinh phí đầu tư rất lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ phức tạp, có mức độ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước nên vẫn cần nghiên cứu, thẩm định, thẩm tra kỹ lưỡng, bảo đảm sự thành công, hiệu quả đầu tư. Do vậy, sau khi có kết quả thẩm định của HĐTĐNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT hoàn chỉnh dự án để báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
“Với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 ưu tiên đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045” - Bộ GTVT cho hay.•
Ủng hộ đầu tư tuyến đường sắt vừa chở khách và chở hàng
GS-TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nên lựa chọn dải tốc độ vận hành trên dưới 200 km/giờ để đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là chở khách và chở hàng. Song song đó, mở ra cơ hội để ngành đường sắt tự tạo ra và làm chủ được các trang bị kỹ thuật vận hành, không phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Qua đó sẽ làm nên sự phát triển đích thực và bền vững của một dự án đầu tư lớn.
Cạnh đó, tàu vừa chở hàng vừa chở khách hoàn toàn đủ sức làm thay đổi tổng đồ phân chia thị phần của các chuyên ngành vận tải. Chi phí logistics của nền kinh tế nhờ vậy sẽ được tiết giảm. “Và chỉ cần sự tiết giảm đó bằng mức 5% GDP thôi, vào những năm 2040, khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận hành, nền kinh tế đã có thể tiết kiệm và tự tích lũy mỗi năm nhiều chục tỉ USD. Không một dự án đầu tư nào có giá trị sinh lời nhanh và lớn đến vậy” - ông Khuê nói.