Ma túy trong khu vực đang là vấn đề nhức nhối
Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm - Liên hợp quốc (UNODC), năm 2021, lực lượng chức năng các nước Đông và Đông Nam Á đã bắt giữ 171,6 tấn ma túy tổng hợp (MTTH) dạng Methamphetamine. Trong đó, có tới 90% số lượng ma túy bắt giữ đến từ khu vực Đông Nam Á. Số lượng MTTH bắt giữ trong năm 2022 ước tính tăng 10%, tương đương gần 200 tấn.
Năm 2022, diện tích trồng cây thuốc phiện tại khu vực "Tam giác vàng" là 40.100 héc-ta (tăng 33% so với năm 2021). Tuy diện tích canh tác tăng không nhiều, nhưng sản lượng thuốc phiện sản xuất lại tăng 88% so với năm 2021, ước tính đạt 795 tấn, tương đương 79,5 tấn heroin. Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực "Tam giác vàng" ở tiểu vùng sông Mê Kông vẫn là địa điểm sản xuất MTTH lớn thứ hai thế giới, đang là vấn đề nhức nhối đối với các quốc gia trong khu vực.
Ma túy từ khu vực này được vận chuyển tới các nước trong khu vực và trên thế giới qua các tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không, với số lượng rất lớn. Các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Nam Mỹ, Tây Phi điều hành những tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật các nước ở khu vực và thế giới trong công tác điều tra, phát hiện và triệt phá.
Đào hầm để vận chuyển chất cấm qua biên giới
Qua công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin của Trung tâm SMCC, Việt Nam có nhận định về xu hướng tình hình tội phạm ma túy trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Theo đó, chính sách đẩy mạnh truy quét, triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy trong nội địa của Trung Quốc dẫn đến xu hướng các đối tượng phạm tội dịch chuyển, lấy khu vực "Tam giác vàng" làm địa bàn hoạt động, đầu tư công nghệ, chuyên gia hóa học và đầu tư tiền để sản xuất ma túy, khiến tình hình tội phạm ma túy, đặc biệt là tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất MTTH tại khu vực "Tam giác vàng" ngày càng gia tăng.
Hiện nay, Campuchia đang nổi lên là địa bàn bị các đối tượng lợi dụng để tổ chức sản xuất MTTH, đặc biệt là Ketamine với số lượng lớn. Tuy nhiên, số lượng sử dụng trái phép Ketamine trong nước tại Campuchia rất nhỏ. Lượng ma túy này chủ yếu được vận chuyển ra nước ngoài, nguy cơ thẩm lậu vào Việt Nam và các nước trong khu vực để đến nước thứ ba là rất cao.
Cạnh đó, chính sách xây dựng tường rào biên giới của Trung Quốc bước đầu có hiệu quả, làm giảm tình hình ma túy thẩm lậu qua biên giới các nước vào Trung Quốc. Các đối tượng gặp khó khăn trong việc vận chuyển ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" trực tiếp qua biên giới tỉnh Vân Nam để vào Trung Quốc. Do đó, các đối tượng sẽ tiếp cận những tuyến đường khác, dẫn đến số lượng ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" được lén lút vận chuyển qua các nước Lào, Thái Lan, Việt Nam gia tăng. Ngoài ra, các đối tượng còn tìm nhiều phương thức, thủ đoạn mới để vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, như: dùng thiết bị bay điều khiển từ xa, đào hầm để vận chuyển ma túy...
Trung Quốc là nước có nguồn cầu ma túy lớn nhất trong khu vực và là điểm đến của ma túy. Trong khi đó, Lào tiếp tục là nước trung chuyển ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" vào Việt Nam và các nước trong khu vực. Chưa kể chính sách hợp pháp hóa cần sa vào mục đích y tế của Thái Lan có thể tác động tiêu cực đến chính sách và tình hình ma túy của các nước trong khu vực, gia tăng nguy cơ các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép cần sa vào Thái Lan cũng như các nước trong khu vực.
Đẩy mạnh truy quét tội phạm ma túy trên diện rộng
Trước tình hình đó, các nước tiểu vùng sông Mê Kông gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ, cùng nhau từng bước đẩy lùi tội phạm ma túy. Một trong những nội dung hợp tác quan trọng đang được triển khai là thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống ma túy vì một sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma túy (gọi tắt là Kế hoạch hành động) và thành lập hệ thống Trung tâm SMCC tại các nước thành viên.
Cho tới nay, cả 6 nước thành viên đã thành lập và luân phiên chủ trì tổ chức hoạt động của Trung tâm SMCC. Hoạt động của Trung tâm SMCC đã giúp các nước thành viên điều phối triển khai các hoạt động chung của Kế hoạch hành động; tổng hợp tình hình tội phạm ma túy, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp chiến lược, nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy ở cả cấp độ quốc gia và khu vực, góp phần kiểm soát tốt tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại khu vực "Tam giác vàng".
Từ ngày 07-02-2023 đến ngày 09-4, thực hiện Kế hoạch hành động, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã mời các nước thành viên cử 2 cán bộ sang làm việc tại Trung tâm SMCC của Việt Nam. Trong thời gian này, đại biểu các nước thành viên đã làm tốt vai trò là đầu mối triển khai tổng hợp, cung cấp thông tin về các vụ án ma túy điển hình và tình hình ma túy có liên quan đến các nước trong khu vực; trao đổi thông tin các đối tượng phạm tội về ma túy, đề nghị các bên liên quan phối hợp điều tra, bắt giữ các vụ án về ma túy; tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến một số hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy bất hợp pháp ở tiểu vùng sông Mê Kông.
Việt Nam đã đề nghị đầu mối Trung tâm SMCC liên hệ, tiến hành xác minh 3 thông tin liên quan đến Campuchia, 5 thông tin liên quan đến Trung Quốc, 8 thông tin liên quan đến Lào, 1 thông tin liên quan đến Thái Lan. Cán bộ đầu mối của Trung Quốc tại Trung tâm SMCC đã thông báo, đề nghị Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an phối hợp Công an hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng xác minh, làm rõ hành vi phạm tội của 3 đối tượng người Việt Nam liên quan đến 3 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ngày 16-3-2023, cán bộ đầu mối của Lào đã hỗ trợ Việt Nam xác minh, cung cấp thông tin liên quan đến lô hàng 8 tấn tiền chất vận chuyển quá cảnh từ Trung Quốc qua Việt Nam sang Lào...
Ngày 06-4, trong Hội nghị tổng kết hoạt động của Trung tâm SMCC được tổ chức tại Hà Nội, 6 nước đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2027. Theo đó, Trung tâm SMCC tiếp tục nâng cao vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy và tiền chất của mỗi quốc gia; chủ động đẩy mạnh các đợt truy quét, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên diện rộng, tập trung vào các tuyến biên giới, tuyến vận chuyển ma túy và tiền chất trọng điểm vào, ra khu vực "Tam giác vàng". Tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên Trung tâm SMCC, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới trong phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất. Nghiên cứu thiết lập hệ thống các Trạm kiểm soát ma túy công khai tại các địa điểm tiếp giáp khu vực "Tam giác vàng" và trên các tuyến đường trọng điểm.
Các nước thành viên Trung tâm SMCC cần thông báo danh sách đầu mối của Trung tâm SMCC các nước và xem xét tổ chức họp định kỳ giữa Trung tâm SMCC của các nước mỗi tháng một lần, dưới hình thức trực tuyến để cập nhật thông tin, tình hình ma túy trong khu vực và kết quả triển khai Kế hoạch hành động tại mỗi nước. Phát triển quan hệ hợp tác với các bên đối tác trong và ngoài khu vực, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế cho các sáng kiến, chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực và các nước. Kế hoạch này cũng thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác của các nước trước những thách thức đặt ra về vấn đề ma túy đang gia tăng đáng báo động trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.
Xem thêm: lmth.995541_yut-am-mahp-iot-iul-yad-coub-gnut-ehc-tahc-cat-poh/gnos-iod/nv.moc.nagnoc