Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là hướng đi mới được nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tập trung đầu tư. Bởi đi theo hướng này, hàng hóa của Việt Nam (VN) có thể thâm nhập mạnh vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật... Tuy vậy, con đường sản xuất xanh cũng không hề đơn giản.
Vỏ hộp sữa, than dừa… xuất ngoại
Nhiều công ty khẳng định sản xuất xanh giúp tăng khả năng cạnh tranh cho hàng Việt. Bà Huỳnh Thị Cẩm Xuyên, đại diện Công ty Green Coco Foods (Bến Tre), dẫn chứng công ty chuyên sản xuất dừa hữu cơ xuất khẩu các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ. Vì vậy, công ty phải hướng vào sản xuất xanh để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.
Tuy vậy, để sản xuất dừa hữu cơ đạt chứng nhận EU, USDA phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Đó là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đất canh tác được chuyển đổi hữu cơ ba năm, thiết lập vùng đệm để bảo vệ vùng trồng hữu cơ... Muốn làm được điều này phải đầu tư mạnh vào quy trình sản xuất khép kín, tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe của các nước. Đặc biệt, công ty phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại cũng như sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ nhà máy. Nhờ đáp ứng các tiêu chí trên, khách hàng tin tưởng đặt mua sản phẩm của công ty.
“Chúng tôi đã tối ưu được các phụ phẩm từ dừa, qua đó vừa giúp tăng giá trị hàng phụ phẩm vừa giảm được giá thành hàng chính phẩm và nâng cao đời sống của người dân. Tóm lại mô hình này giúp nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt so với hàng hóa các nước, nhất là trong bối cảnh lạm phát toàn cầu” - bà Xuyên đánh giá.
Hiện nay, mỗi tháng Green Coco Foods xuất khẩu trung bình 4-6 container sản phẩm dầu dừa ép lạnh, bột dừa… ra các nước. Đồng thời mỗi tháng công ty còn cung cấp ra thị trường nội địa 6-8 container cám dừa, gáo dừa, than dừa, mụn dừa. “Chúng tôi liên kết với hàng ngàn hộ nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu lớn với sản lượng 18 triệu trái dừa mỗi năm” - bà Xuyên thông tin thêm.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ cây dừa Bến Tre đã được sản xuất theo tiêu chuẩn xanh. Ảnh: TU |
Tương tự, ông Thái Khắc Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xã hội Dấu Chân Xanh, thông tin nhiều nước trên thế giới sử dụng rác thải để tạo ra sản phẩm ứng dụng trong kiến trúc và cuộc sống. Nắm bắt được xu hướng này, công ty tổ chức thu gom vỏ hộp sữa rồi ứng dụng công nghệ mới hiện đại và chế tạo thành chậu trồng cây, mặt bàn ghế, đế lót ly…
“Giấy được dùng làm các sản phẩm trang trí nội thất. Nhôm, nhựa dùng làm chậu trồng cây, mặt bàn ghế, đế lót ly, đồ chơi trẻ em... Việc tái chế giúp công ty tiết kiệm chi phí nên giá thành giảm hơn 50%” - ông Tiến nói.
Hiện các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa của công ty đã đạt chứng nhận an toàn, không chứa chất độc hại, có thể dùng trong trang trí nội thất theo tiêu chuẩn của Nhật. Đáng chú ý, một số đối tác đề nghị công ty hợp tác để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Úc...
Nhiều công ty khác cũng cho hay đã áp dụng thành công tiêu chí xanh trong các ngành sản xuất nội thất. Theo đó, tận dụng những nguyên vật liệu, phế phẩm bỏ đi để sản xuất ra những sản phẩm xuất khẩu như bàn ghế, tủ, kệ góc để che trong phòng tắm.
Muốn tồn tại phải xanh
Đại diện nhiều công ty cho rằng sản xuất xanh gặp một số khó khăn như vốn lớn, công nghệ và thời gian thu được lợi nhuận không thể một sớm một chiều. Nhưng sản xuất xanh là xu hướng tất yếu trên thế giới nên sẽ theo đuổi tới cùng. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cũng mong muốn Nhà nước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ những đơn vị làm kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng không chỉ người tiêu dùng quốc tế mà khách hàng Việt cũng ngày càng có ý thức hơn về sản xuất xanh, nhất là thế hệ trẻ, genZ. Nhiều cuộc điều tra đã chỉ ra người dùng trẻ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua các sản phẩm xanh. Vì vậy, sản xuất xanh hiện đã trở thành yêu cầu đối với các nhà xuất khẩu, tức “không xanh thì không được”.
Mặt khác, thực tế chứng minh rất rõ những sản phẩm sản xuất xanh, bền vững có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thương trường quốc tế. Do đó, các DN muốn xuất khẩu tốt và muốn tồn tại trên thị trường phải là “DN xanh”.
“Chính phủ các nước, bao gồm cả VN đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển xanh, tăng trưởng xanh. Đây thực sự là quyết tâm lớn của Nhà nước. Vấn đề là các chủ thể cùng nhau bắt tay làm thì mới có được một nền kinh tế xanh của VN” - chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), trong một diễn đàn mới đây cũng cho rằng cộng đồng DN Việt cần quan tâm đến xu hướng phát triển xanh hơn. Bởi các thị trường quốc tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu đều đưa ra những tiêu chuẩn cao về sản phẩm xanh.
“Các tổ chức quốc tế hiện nay ưu tiên vốn tín dụng cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới của VN cũng chú trọng chọn lọc các dự án có công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao. Cùng với đó, các DN cần tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh để tiếp cận các thị trường, nguồn vốn tín dụng xanh” - ông Công nói.
Phát triển xanh đang hình thành luật chơi mới
Phát biểu tại diễn đàn DN đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của VN nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững.
“Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; tránh tình trạng “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại một hội nghị về xúc tiến xuất khẩu xanh do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều chuyên gia cũng nhận định xu hướng sản phẩm xanh, bền vững đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cộng đồng DN xuất khẩu. Xu hướng phát triển xanh đang hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Đáng chú ý nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc sản phẩm cao cấp thì hiện đã trở thành yêu cầu phổ biến ở mọi phân khúc.
Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, VN cần thay đổi tư duy, quan tâm tới tính xanh của sản phẩm cũng như chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế.