Thầy Trường Nghiêm, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), kể về một học trò cũ từng khiến anh nặng lòng trong một thời gian dài.
"Người ta sẽ hỏi em muốn ở với ai"
Năm đó, tôi không chủ nhiệm mà chỉ dạy vật lý ở lớp của Tuấn. Cậu ngồi đầu bàn thứ ba bên phải, đối diện bàn giáo viên. Từ chỗ tôi, có thể thấy rõ em. Chỉ nhìn thoáng qua, tôi biết Tuấn thiếu ngủ. Nét mặt em phờ phạc, đôi mắt mệt mỏi, tư thế ngồi như muốn gục xuống mặt bàn.
"Lại chơi game, thức đêm hả?". Tôi đi xuống, gõ tay lên bàn của Tuấn nhắc nhở. Em không nói gì chỉ vội chỉnh tư thế ngồi thẳng lưng.
Thường thì vào tiết một bao giờ cũng có những học sinh uể oải, thiếu tập trung vì phải dậy sớm đi học hoặc thức đêm vì những việc vô bổ. Có những hôm tôi phải chậm lại vài phút cho học sinh hoạt động gì đó để tỉnh ngủ. Nhưng hôm ấy là tiết cuối nên chỉ có Tuấn khiến tôi phải chú ý.
Khi tôi ở cuối lớp đi lên, Tuấn vẫn không mở sách theo yêu cầu của tôi lúc trước mà ngồi im bất động. "Thầy cho ra ngoài, rửa mặt cho tỉnh ngủ rồi vào học", tôi tiếp tục nhắc Tuấn trước khi bắt đầu bài giảng.
Lúc này Tuấn mới lấy sách vở từ ba lô ra. Giờ học kết thúc. Thầy còn cất laptop thì học sinh đã ùa ra ngoài. Nhìn xuống chỉ còn Tuấn đang gục đầu xuống bàn.
"Thế này không hay đâu, làm gì cũng phải ngủ đủ giấc chứ", tôi chỉ định nhắc lần nữa, rồi đi ra. Nhưng đột nhiên Tuấn nói: "Em không thức chơi game, mà có chuyện buồn ạ".
Tôi hơi sững lại. Tuấn đã cất xong sách vở, đeo ba lô. Em nói tiếp với ánh mắt u tối: "Bố mẹ em sắp ra tòa ly hôn rồi".
Thì ra là như vậy. Thú thật, khi nghe em nói lý do đó, tôi còn bớt lo so với những suy đoán trong đầu khi trước. Vì những chuyện liên quan trực tiếp đến hành vi của học sinh như nghiện game, dùng chất kích thích, bắt nạt hoặc bị bắt nạt thường khiến giáo viên lo lắng hơn. Thời bây giờ, nhiều người ly hôn. Trường hợp của Tuấn không hy hữu.
Tôi vỗ nhẹ lên vai Tuấn: "Chuyện của người lớn, không hòa hoãn được mới phải như thế".
"Em biết ạ. Mấy hôm rồi em không ngủ được. Vì khi bố mẹ ra tòa, người ta sẽ hỏi em muốn ở với ai...", Tuấn buồn bã trả lời. "Ừ, thì luật là như thế, vậy em muốn ở với ai?".
"Nếu em ở với bố thì mẹ sẽ buồn lắm. Còn em ở với mẹ thì em lo không có ai chăm sóc bố", Tuấn chùng giọng.
Trong giây lát như có luồng điện chạy qua làm tôi chết lặng. Câu nói của Tuấn thực sự chạm vào tim tôi. Nó khiến tôi vừa kinh ngạc, vừa xót xa.
Đêm hôm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Lời bộc bạch của Tuấn, ánh mắt khắc khoải, viền mắt thâm quầng vì mất ngủ của em làm tôi day dứt. Tôi trở dậy ngồi đọc tin tức, tìm hiểu những bài viết liên quan tới tình huống của Tuấn.
Vẫn biết những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn thì thiệt thòi, nhưng lần đầu tiên tôi mới đặt mình vào cảm giác một đứa trẻ khi phải đến tòa án để trả lời mình sẽ ở với bố hay mẹ!
Ở góc độ pháp lý, trẻ từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về việc ở với bố hay mẹ khi phân xử ly hôn. Đây là quy định nhằm đảm bảo quyền trẻ em. Nhưng việc phải nói ra điều đó trước tòa chắc sẽ không dễ dàng với nhiều đứa trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương.
Tuấn chưa đủ chín chắn, nhưng không còn hồn nhiên khi phải lựa chọn. Điều Tuấn làm tôi suy nghĩ mãi về em là trách nhiệm của người con mà em đã tự đặt ra cho mình trong tình huống ly hôn của bố mẹ.
Liệu bố mẹ Tuấn có hiểu được tâm tư đó của em không?
Tôi cố mường tượng về tình trạng đang xảy ra với gia đình Tuấn. Dù là lý do nào thì cuộc ly hôn cũng kéo theo sự mệt mỏi, khổ sở. Nhưng có lẽ người lớn chỉ nghĩ đến những điều mình phải chịu, những việc mình phải làm mà không biết rằng con cái cũng trải qua bi kịch đó.
Cuộc thỏa thuận của hai đứa con
Bà Kim Loan, thẩm phán thụ lý một vụ án ly hôn tại Hà Nội, cũng kể về một trường hợp mà bà nhớ mãi. Đấy là vụ án ly hôn có tranh chấp quyền nuôi con. Cặp vợ chồng trong vụ này có hai con, Nga là con gái lớn 15 tuổi, Tùng là con trai út 9 tuổi.
Ban đầu, người vợ có nguyện vọng nuôi cả hai con. Nhưng việc này khó được chấp thuận vì xét cả phương diện nuôi dưỡng và giáo dục con cái thì người chồng có điều kiện hơn vợ. Hướng phân xử là mỗi người nuôi một con. Nhưng vấn đề trở nên nhạy cảm khi cả hai đều muốn nuôi cậu con trai, nếu tòa xử mỗi người nuôi một con.
Lý do người vợ đưa ra là Tùng còn nhỏ, lại sắp phải chuyển cấp học nên cần ở với mẹ. Còn lý do của người chồng là con gái họ đang tuổi dậy thì, mẹ hiểu tâm sinh lý con gái hơn bố, trong khi bố có thể hiểu và gần gũi con trai hơn. Xem xét lý do của cặp vợ chồng thì đều thấy họ có lý. Tòa phải chờ kết quả từ việc hỏi ý kiến hai đứa trẻ để có thể quyết định.
Lần đầu khi được hỏi ý kiến, cả Nga và Tùng đều nhận ở với mẹ. Tòa nghiêng về hướng để Nga ở với mẹ, Tùng ở với bố. Nhưng hòa giải không thành công.
Thẩm phán quyết định hỏi ý kiến lần hai với hai đứa trẻ sau khi có giải thích về những điểm phù hợp để chúng suy nghĩ.
Lần này, Tùng chủ động xin ở với bố, để chị gái ở với mẹ. Những tưởng việc thế là ổn. Nhưng hai đứa trẻ ra về một lúc thì Nga quay lại gặp bà thẩm phán.
"Bác cho cháu thay đổi ý kiến", Nga nói. Bà Kim Loan rất ngạc nhiên vì cô bé quả quyết, không có vẻ e dè như trước. Nga đề nghị tòa xử cho mình ở với bố, em trai ở với mẹ. Và cho biết việc em trai nhận ở với bố là không đúng với mong muốn của cậu bé. Thực ra Tùng chỉ muốn nhường mẹ cho chị.
Nghe cô bé nói, bà thẩm phán tưởng Nga cũng muốn nhường mẹ cho em trai nên muốn thay đổi ý kiến. Nhưng thổ lộ của cô bé khiến bà lặng người: "Đằng nào cũng chẳng ai thích cháu. Nên thà cháu ở với bố để em ở với mẹ, đúng với nguyện vọng của cả mẹ và em cháu".
Gác công việc để dành thời gian trò chuyện với cô bé, bà thẩm phán mới biết Nga và Tùng tình cờ chứng kiến bố mẹ cãi nhau ở ngay khuôn viên tòa án. Cả hai đều đưa ra những lý lẽ để giành nuôi cậu con trai.
Cuối cùng, người chồng nói thẳng Tùng là cháu đích tôn, nên kiểu gì anh ta cũng phải giành quyền nuôi cậu bé. Người chồng nóng nảy đe dọa sẽ "xử lý" nếu con trai vẫn một mực chọn mẹ.
Hai chị em Nga đều sốc. Nga tủi thân vì cả bố và mẹ đều không muốn nhận nuôi mình. Một sự tổn thương có thể sẽ rất khó chữa lành.
Vụ ly hôn của bố mẹ Tùng, Nga không kết thúc được bằng hòa giải mà phải xét xử. Cuối cùng theo quyết định tại phiên tòa, Tùng ở với bố, còn Nga ở với mẹ.
Bà thẩm phán chia sẻ: "Sau phiên tòa sơ thẩm, cả hai vợ chồng đều kháng án lên tòa phúc thẩm. Tôi không biết kết quả thế nào. Nhưng dù y án hay có thay đổi thì những đứa trẻ cũng thật đáng thương. Trong đời thẩm phán, dù thụ lý, xét xử nhiều vụ còn phức tạp hơn nhưng câu chuyện của chị em Tùng, Nga vẫn ám ảnh tôi rất lâu.
Điều may mắn nhất là hai đứa trẻ thương yêu và biết nhường nhịn nhau khi còn rất nhỏ. Chỉ mong thời gian trôi đi, chúng trưởng thành và vững vàng hơn, để đi tìm nhau và vẫn là điểm tựa tinh thần của nhau".
________________________________________
Ly hôn không hoàn toàn chỉ có nước mắt. Nhật, cậu bé lớn lên ở thời hậu ly hôn của bố mẹ, lại có một cuộc sống khác. Bố, mẹ và con đã cùng bước qua đổ vỡ để mở ra cánh cửa mới tươi sáng hơn.
Kỳ tới: Bản "giao kèo" sau ly hôn
Đã học đến lớp 11 nhưng tâm hồn Hưng vẫn "mắc kẹt" ở năm cậu học lớp 4, trong cái ngày cậu tưởng như bị bố mẹ bỏ rơi.