Mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, cụ thể là giảm lượng giống còn 80kg/ha, giảm phân bón và thuốc trừ sâu 30%, giảm nước tưới 30%, đồng thời giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8%.
Tăng thu nhập người trồng lúa
Ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết theo dự kiến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, từ nay đến năm 2025 có 500.000 ha, từ năm 2025 - 2030 sẽ có 1 triệu ha, đáp ứng yêu cầu của thị trường về giá trị dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường.
"Từ đó, sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam tăng hơn 20% và sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân trồng lúa", ông Tùng nói.
Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng đề án làm thay đổi ngành hàng lúa gạo.
Về cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp đã đủ, nhưng khi thực thi lại còn vướng nên cần được tháo gỡ khi thực hiện đề án này. Ông Bình cũng đề xuất đưa thêm nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào đề án để tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Tạo sự khác biệt
Góp ý về đề án, ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng đây là thời điểm làm và quyết tâm phải làm, và Hậu Giang cũng đăng ký đến năm 2025 thực hiện 28.000ha và đến năm 2030 là 46.000ha.
Tuy nhiên, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải làm sao cho người dân thấy rõ sự khác biệt của đề án so với các đề án và dự án trước đây, nông dân thấy được lợi ích khi tham gia.
Ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề xuất nên điều chỉnh nghị định hỗ trợ, không cào bằng như trước. Chính sách tạo sự khác biệt, nếu không thì doanh nghiệp không tham gia.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói đây là đề án tham vọng, qua đó nhằm định hình tư duy làm nông nghiệp mới.
"Đề án không chỉ tạo giá trị thu nhập cho người nông dân thông qua bán chứng chỉ carbon do chúng ta giảm phát thải thấp mà quan trọng là chúng ta thay đổi tư duy về nền nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, xu thế tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm", ông Hoan nhấn mạnh.
ĐBSCL: 82% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả
Ông Lê Đức Thịnh, cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết đến hết năm 2022 toàn vùng ĐBSCL có 2.615 hợp tác xã và 20 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó hơn 82% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, do thiếu vốn và hạn chế kỹ thuật nên nhiều hợp tác xã khó đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững nên chỉ khoảng 13% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Liên quan đến thông tin nông dân trồng lúa lời trên 100%, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong nhiều năm Chính phủ, địa phương phấn đấu lợi nhuận trên 30% cho người sản xuất lúa là phù hợp.
Xem thêm: mth.98921428080403202-oac-gnoul-tahc-aul-ah-ueirt-1-mal-yat-tab/nv.ertiout