Cần cơ chế đặc thù
Mục tiêu Ban Giao thông hướng đến là sớm hoàn thành dự án năm 2027 để đồng bộ với tiến độ dự án cao tốc Bavet - Phnom Penh (Camphuchia).
Về nguồn vốn, Ban Giao thông kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 2.900 tỉ đồng, chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương để đảm bảo giải ngân trong năm 2025.
Về triển khai dự án, đơn vị này kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM, Tây Ninh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đỗ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Đối với các bộ ngành, Ban Giao thông cũng kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Song song đó, kiến nghị Bộ Quốc phòng khẩn trương có ý kiến thống nhất về phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn tránh đất quốc phòng ở địa bàn huyện Củ Chi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp trình Thủ tướng chấp thuận bố trí nguồn vốn trung ương hỗ trợ hai địa phương.
Kết nối TP.HCM - Tây Ninh - Campuchia
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua địa bàn TP.HCM dài 23,7km, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3km. Dự án bắt đầu từ vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.
Tuyến cao tốc khi hình thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Ở giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư bốn làn xe, theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn khoảng 16.729 tỉ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.433 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 18 năm 1 tháng.
Dự án này thời gian qua đang được trình hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tấn Tài - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh - cho biết về điểm kết nối thông tuyến với cao tốc Phnom Penh - Bavet, Bộ Giao thông vận tải sẽ thành lập một tổ công tác phối hợp với Campuchia để hai bên bàn bạc các điểm kết nối.
Tổ công tác sẽ có sự tham gia của các địa phương, các bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì. Các điểm kết nối này mang tầm cỡ quốc gia, cũng như quan trọng nhất là tận dụng được hạ tầng cửa khẩu hiện hữu.
Sau khi thông tuyến, thời gian đi lại từ TP.HCM, Tây Ninh và Campuchia sẽ rút ngắn rất nhiều, tạo sự thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế...
"Phía cao tốc bên Campuchia được thiết kế quy mô hoàn chỉnh với vận tốc 120km/h. Bên Việt Nam cũng vậy, sẽ làm bốn làn xe, vận tốc thiết kế là 120km/h tạo nên sự đồng bộ xuyên suốt. Việc này sẽ rút ngắn được thời gian đi lại.
Còn vấn đề kiểm tra giấy tờ thông quan thì hải quan hai nước sẽ phối hợp. Làm sao để tổ chức được việc kiểm soát qua lại biên giới phù hợp, thuận tiện, không tốn nhiều chi phí, thời gian cho xe cộ nhưng phải đảm bảo được về mặt an ninh", ông Tài cho hay.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký công văn khẩn báo cáo Thủ tướng về tình hình các dự án cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.