Từng tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi, tôi thừa nhận vấn đề này thực ra là hai mặt của một đồng xu. Nhưng xin hãy nhìn vào mặt ngửa của đồng xu bởi kỳ thi giáo viên giỏi quả thật mang lại những lợi ích không nhỏ.
Mặt sấp của đồng xu
Thực tiễn cho thấy rằng xung quanh việc thi giáo viên giỏi không chỉ là sự tồn tại của "điệp khúc diễn" mà ở đó còn có những bất cập đi kèm khác như tính đối phó, một chiều của các kỳ thi.
Cụ thể, thông thường trong trường học các giáo viên có thể dạy giỏi, muốn dạy giỏi chiếm số lượng không nhiều, phần lớn là những giáo viên cốt cán như nhóm trưởng, tổ trưởng và một bộ phận giáo viên đi dạy với đam mê và nhiệt huyết.
Những giáo viên này trong những lần đầu tham gia thi rất đầu tư cho tiết dạy nhưng do năm nào cũng chỉ từng ấy người lặp đi lặp lại, càng về sau các tiết dạy của họ rất dễ rơi vào tình trạng làm cho xong.
Hành trang mang vào những tiết dạy kiểu "làm cho xong" của những giáo viên này là những thao tác đã luyện thành kỹ năng. Khi vào dạy họ thật sự như "những cây chuyền hai chuyên nghiệp" chỉ cần vài đường cơ bản là "chủ công" của họ - những học sinh được cất đặt - sẽ làm tốt nhiệm vụ để đạt tiết dạy giỏi.
Không những vậy, có một số giáo viên khi tham gia kỳ thi giáo viên giỏi, do áp lực của thành tích, do uy tín bản thân, để đạt được yêu cầu của tiết dạy sẽ dùng các "chiêu" như cho câu hỏi, cho đề trước, thậm chí gửi hẳn đáp án cho học sinh để làm sao tiết dạy được trôi chảy, giáo viên đặt vấn đề tới đâu thì học sinh giải quyết nhanh, đúng tới đó.
Bên cạnh đó, thực tế khác cho thấy rằng tại các trường học, những kỳ thi giáo viên giỏi thường có tính định kỳ và kết quả của các kỳ thi này cũng là một phần rất quan trọng trong nội dung của các báo cáo gửi cấp trên.
Chính vì thế việc thi giáo viên dạy giỏi ở đâu đó không chỉ là vấn đề "diễn giỏi" của thầy và trò.
Sân chơi bổ ích
Vậy phải chăng kỳ thi này là vô bổ, giáo viên dạy giỏi chẳng qua là giáo viên diễn giỏi?
Là một người từng tham gia các kỳ thi lớn nhỏ khác nhau, tôi cho rằng kỳ thi giáo viên giỏi thực sự là một cơ hội lớn cho việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, một sân chơi bổ ích để thầy cô giáo thỏa mãn những tìm tòi, sáng tạo và trải nghiệm.
Trước hết, nhìn rộng ra, chúng ta thấy rằng để có thể đạt được giáo viên giỏi thì thầy cô giáo không phải chỉ dạy có một tiết mà phải lần lượt trải qua ba vòng thi chặt chẽ và bài bản: vòng thi sản phẩm nghiên cứu khoa học ứng dụng, vòng bảo vệ sản phẩm nghiên cứu và vòng trực tiếp giảng dạy một tiết học.
Ngoài ra, nhìn sâu vào ba hạng mục và 12 tiêu chí trong phiếu đánh giá, xếp loại giờ dạy giỏi thì hạng mục đánh giá Hoạt động của học sinh chỉ chiếm 40% tổng điểm của cả tiết dạy.
Từ đây, chúng ta có thể nói rằng để vượt qua cả ba vòng này thì đòi hỏi người giáo viên phải kỳ công tìm kiếm tư liệu, nghiêm túc thiết kế nghiên cứu và kế hoạch bài dạy, ngoài ra họ còn phải có kinh nghiệm giảng dạy, kỹ năng đứng và xử lý những tình huống sư phạm trước một môi trường mới lạ...
Chỉ bằng đấy thôi cũng đã cho thấy công sức và tầm và tài năng của người đi thi giáo viên giỏi. Cho nên không thể nhìn nhận một cách phiến diện rằng giáo viên dạy giỏi thực chất là diễn giỏi.
Quả thật, ở đâu đó, một số cá nhân khi mới nắm bắt thông tin thì cho rằng nên bỏ kỳ thi giáo viên giỏi các cấp. Nhưng nếu đặt ngược lại vấn đề chúng ta thấy trường học nếu không dạy và thi dạy giỏi thì dạy như thế nào và thi gì? Giáo viên khi đi dạy nếu không nỗ lực dạy cho giỏi thì nỗ lực cho cái gì?
Một cách làm hay
Để kết thúc vấn đề này, tôi xin chia sẻ một cách làm hay đến từ ban giám hiệu của Trường THPT Ninh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Theo thầy Hoàng Văn Tý, hiệu trưởng nhà trường: "Hằng năm chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tiễn của trường để xác định mục tiêu, cách thức tổ chức kỳ thi giáo viên giỏi.
Chẳng hạn, vài năm trở lại đây chúng tôi đã tổ chức kỳ thi soạn giảng E- Learning thay cho kỳ thi giáo viên giỏi truyền thống để vừa thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên lại vừa có thể đánh giá một cách khách quan chất lượng tiết dạy của giáo viên, mức độ học tập của học sinh".
Kết thúc tiết thi giáo viên dạy giỏi, tôi nhận được phản hồi từ học trò: "Cô ơi! Hôm nay cô dạy không hay như thường ngày. Cứ mỗi lần có giáo viên vào dự giờ là em thấy tiết học khác lắm. Cô đừng cho giáo viên khác vào dự nữa...".