Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chia sẻ như vậy tại hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới” do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 8-4.
Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo Thành ủy, lãnh đạo HĐND, MTTQ, các cơ quan, đơn vị, ban ngành TP.HCM.
"Đừng vào vì cơ cấu mà vào vì giá trị thực"
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhìn nhận phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỉ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Chưa kể, nguồn cán bộ nữ hụt, một số lĩnh vực tỉ lệ cán bộ nữ sụt giảm. Tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có hơn 1,3 triệu cán bộ công chức, viên chức nữ, chiếm 2,68% trong tổng dân số nữ.
Bà Mai cho rằng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, hệ thống chính trị về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và các mục tiêu, chương trình bình đẳng giới.
Bổ sung và thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam. Tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và nữ. Cùng với đó, nên tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ.
“Cán bộ nữ phải cố gắng nỗ lực vì phụ nữ không cố gắng phấn đấu, không tạo giá trị thực thì nếu có vào vị trí, sức thuyết phục cũng không cao. Do vậy, khi nói với phụ nữ, tôi đều nói rằng đừng vào vì cơ cấu mà hãy vào bằng giá trị thực của mình”, bà Mai chia sẻ.
Nghiên cứu để cán bộ nữ được bình đẳng trong học tập, đào tạo
Tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết thời gian qua, công tác cán bộ nữ là bộ phận quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng có đủ năng lực, phẩm chất để cống hiến cho Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng, được TP.HCM luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.
Ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban Tuyên giáo TP.HCM - kiến nghị trong công tác cán bộ nữ ở TP.HCM cần chú ý dân số, lực lượng lao động và vấn đề các tổ chức cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn. Phải có chế độ đãi ngộ cao hơn với cán bộ nữ và chú trọng đề bạt cán bộ nữ là doanh nhân, tiểu thương nữ bởi TP.HCM có 600.000 doanh nghiệp thì nữ làm chủ chiếm 30-40%.
“Hình như chúng ta còn ngại ngùng đưa khu vực tư nhân vào quản lý. Phải phát triển nhiều mô hình hơn nữa để tập hợp cán bộ nữ, bồi dưỡng nghiệp vụ”, ông Hải nói.
Nêu hiện trạng có sự chênh lệch giữa cán bộ nữ và nam khi cử đi đào tạo, bà Trần Kim Yến - chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM - cho biết hiện nay độ tuổi của nữ phải 38 và nam là 40 mới được đào tạo cao cấp chính trị hệ không tập trung.
Nhưng giai đoạn 25-35 tuổi, phụ nữ làm tốt nhất thiên chức của người mẹ, việc chăm sóc con chiếm một khoảng thời gian rất lớn, tỉ lệ phụ nữ phấn đấu để có thể đi học tập trung trong giai đoạn này cực kỳ khó khăn. “Tôi nghĩ chỗ này chúng ta cũng phải nghiên cứu để cho cán bộ nữ và cán bộ nam được bình đẳng trong việc học tập”, bà Yến chia sẻ.
Chế tài người đứng đầu nếu cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn chưa được vào quy hoạch
Phát biểu tiếp thu các ý kiến, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng trong công tác quy hoạch cán bộ nữ, cần thiết nghiên cứu đưa ra chế tài, không chỉ hành động bằng những chỉ tiêu, những con số. Bởi, để có nguồn cán bộ trưởng thành phải tính toán chuyện quy hoạch, nhìn thấy được rõ các nguồn xứng đáng phát huy.
“Nếu có thông tin ở đâu cán bộ nữ đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn mà chưa được đưa vô quy hoạch thì sẽ xử lý người đứng đầu ngay. Người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm đối với công tác cán bộ nữ theo quy định”, ông Nên nói.
Song song yếu tố khách quan, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị mỗi cán bộ phải biết định vị lại mình, thường xuyên soi rọi phát huy những mặt ưu khuyết điểm để góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển TP.HCM.
Cần bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, quan tâm hơn công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ để trao quyền lớn hơn cho phụ nữ.