Tốn 18 tỉ đồng để tống đạt trực tiếp
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Chinh (phó chánh án TAND quận 10, TP.HCM) cho rằng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2017 có hiệu lực từ 1-7-2016. Tuy nhiên, sau 7 năm ứng dụng, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được thực tiễn.
Ông Chinh nêu ví dụ khi người dân đến nộp đơn khởi kiện dân sự, nộp đơn ly hôn vẫn phải đến trụ sở tòa án nộp đơn hoặc nộp qua đường bưu điện, chưa có quy định nào về việc nộp trực tuyến. Sau khi nhận đơn, tòa án phải mời người khởi kiện đến xử lý đơn kiện này. Nếu đủ điều kiện thụ lý, tòa án ra thông báo nộp tạm ứng án phí, thụ lý giải quyết.
Theo ông Chinh, hiện nay chưa có quy định tống đạt online hay tống đạt qua phương tiện điện tử. Việc tống đạt vẫn thực hiện theo phương thức 'thủ công' như lần thứ nhất tòa án gửi giấy triệu tập qua đường bưu điện.
Tuy nhiên, nếu đương sự không lên làm việc, cán bộ tòa án hoặc thừa phát lại phải trực tiếp đến nhà đương sự để tống đạt mới được coi là tống đạt hợp lệ. Nếu tòa án 2 lần tống đạt hợp lệ mà nguyên đơn không đến, tòa án mới được đình chỉ giải quyết vụ án, hoặc 2 lần tống đạt hợp lệ bị đơn không đến thì mới tiến hành xét xử vắng mặt.
"Hiện nay việc tống đạt gặp nhiều khó khăn khi đương sự thay đổi địa chỉ liên tục và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Pháp luật chưa quy định thủ tục tống đạt theo công nghệ 4.0, nhưng hiện nay TAND TP.HCM đang xây dựng mô hình tống đạt trực tuyến, sắp đưa vào ứng dụng song các chuyên gia vẫn còn băn khoăn" - ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, tòa án hai cấp TP.HCM đang nghiên cứu giải pháp tống đạt trực tuyến bằng cách cấp cho email định danh, sau đó mời đương sự lên để lập biên bản về việc đương sự chọn hình thức tống đạt như thế nào. Từ đó, cán bộ tòa án sẽ chụp giấy triệu tập gửi qua email, Zalo, Viber… Khi đương sự xác nhận đã nhận được giấy triệu tập, tòa án có thể chụp hình đưa vào hồ sơ.
Bên cạnh đó, ông Chinh cho biết kinh phí để thừa phát tống đạt các văn bản tố tụng như hiện nay là rất lớn, hằng năm TAND TP.HCM tốn 18 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Chinh cũng có nhiều ý kiến về việc xác minh, thu thập chứng cứ, mở phiên tòa trực tuyến.
Cần linh hoạt và áp dụng theo từng công đoạn
Tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng cần phải xem xét các vấn đề trên cơ sở đảm bảo đầy đủ quyền con người, quyền công dân.
Theo luật sư Hòa, ở Việt Nam hiện nay chưa thể xây dựng song song hệ thống tòa án truyền thống và hệ thống tòa án Internet, mà chỉ có thể chọn áp dụng công nghệ 4.0 vào một số công việc trong suốt quá trình tố tụng dân sự mà thôi.
Để xây dựng tòa án điện tử cần hạ tầng pháp lý, hạ tầng công nghệ phải đảm bảo. Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch rất chi tiết chứ không thể chung chung. Do đó, trước mắt có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào từng công đoạn hoặc chọn áp dụng trong một số lĩnh vực chuyên biệt.
Luật sư Hòa cho rằng từ năm 2018, TAND tối cao đã mở cổng thông tin điện tử để người dân nộp đơn trực tuyến nhưng đến nay vẫn chưa thể nộp đơn vì thủ tục rất phức tạp.
Bên cạnh đó, cần phải lưu ý đến trình độ hiểu biết của người dân. Trên thế giới, cụ thể là tòa án Trung Quốc cho phép người dân lựa chọn hình thức trực tuyến hay trực tiếp. Nếu người dân chọn trực tiếp nhưng sau đó không sắp xếp được thì có thể chuyển sang hình thức trực tuyến.
"TAND TP.HCM có những thư ký rất hay, hỏi người dân rằng có đồng ý báo thư mời qua điện thoại hay không. Nếu đồng ý thì ghi vào biên bản và gửi qua. Sự đồng ý của người dân rất quan trọng, liên quan đến quyền nhân thân và tòa án cần linh hoạt trong quá trình thực hiện" - bà Hòa nói.
Tuy nhiên, luật sư cũng lưu ý rằng để xây dựng và áp dụng công nghệ 4.0 có thể sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với hình thức truyền thống. Và đây cũng là vấn đề mà các tòa cần quan tâm.
Nhiều ý kiến góp ý lo ngại ngành tòa án sẽ quá tải, ảnh hưởng quyền lợi người tranh chấp, khi dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai gần như “dồn” hết cho tòa mà không giao cho UBND các cấp như trước.