Ngày 8-4, thông tin từ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết trung tướng Nguyễn Trọng Bình - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn - đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm công tác cứu hộ, cứu nạn vụ trực thăng Bell 505 mang số hiệu VN-8650 rơi tại vùng biển giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng chiều 5-4.
Ngư dân phối hợp kịp thời với các lực lượng
Cuộc họp có đại diện lãnh đạo TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Quân khu 3 cùng các ngành, đơn vị liên quan để đánh giá toàn diện công tác cứu hộ, cứu nạn vụ việc trực thăng rơi tại vùng biển xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng chiều 5-4.
Tại cuộc họp, lãnh đạo hai địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và các ngành, lực lượng chức năng đã báo cáo chi tiết những nội dung công việc triển khai trong quá trình cứu hộ, cứu nạn vụ trực thăng rơi.
Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc đã chỉ đạo các ngành, lực lượng cùng sự tham gia của nhiều ngư dân triển khai các biện pháp nhanh nhất để tìm kiếm cứu nạn.
Về phía Quảng Ninh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh được giao chủ trì, thông báo cho các lực lượng trên địa bàn, xây dựng phương án hiệp đồng lực lượng, phương tiện và triển khai cứu hộ, cứu nạn.
Trong đó, nhanh chóng thành lập sở chỉ huy ngoài hiện trường, triển khai theo đúng kế hoạch, sử dụng các phương tiện hiện đại để tổ chức tìm kiếm đạt hiệu suất cao.
Mặc dù là lần đầu tiên phải xử lý cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn máy bay trên vùng biển, song với sự chỉ đạo kịp thời của trung ương, công tác hiệp đồng hiệu quả các ngành, lực lượng giữa hai địa phương Quảng Ninh - Hải Phòng nên chỉ sau hơn một ngày đã tìm kiếm được năm nạn nhân và trục vớt máy bay bị nạn.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tối đa điều kiện cho gia đình nạn nhân và đưa các nạn nhân về địa phương để lo hậu sự.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - ghi nhận những nỗ lực của các ngành, người dân trong công tác cứu hộ cứu nạn vụ trực thăng rơi.
Đặc biệt là sự chủ động, hỗ trợ kịp thời của ngư dân và việc phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng tại hiện trường, nhất là đội ngũ thợ lặn. Tuy nhiên, trung tướng Bình cũng chỉ ra những hạn chế cần phải rút kinh nghiệm. Trong đó, có việc cung cấp thông tin của đơn vị quản lý máy bay là Binh đoàn 18.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy trong việc xử lý các vụ tai nạn, sự cố.
Tiếp tục điều tra nguyên nhân trực thăng rơi
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, chiều tối 5-4, máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) thực hiện chuyến bay dịch vụ, bị mất liên lạc và xác định gặp nạn sau khi cất cánh khoảng 15 phút.
Vị trí máy bay gặp nạn ở tọa độ 20 độ 51 phút 55 giây độ vĩ Bắc - 107 độ 1 phút 31 giây độ kinh Đông, trên vùng biển xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Thời điểm gặp nạn, trên máy bay có năm người gồm một phi công và bốn du khách người Việt Nam trú tại TP Đà Nẵng.
Nhận tin báo về vụ tai nạn, các lực lượng đã huy động khoảng 600 lượt người cùng hơn 30 phương tiện, trang thiết bị tiến hành tìm kiếm cứu nạn và trục vớt các mảnh vỡ của máy bay.
Tính đến sáng 7-4, thi thể của năm nạn nhân trong vụ tai nạn đã được tìm thấy và bàn giao cho thân nhân lo hậu sự. Những mảnh vỡ của chiếc trực thăng cũng được đưa về Binh đoàn 18 để phục vụ việc điều tra.
Liên quan vụ trực thăng rơi ở Quảng Ninh khiến 5 người thiệt mạng, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm PVI vừa chính thức lên tiếng.
Xem thêm: mth.90234915180403202-ior-gnaht-curt-nan-uuc-uv-uas-gnoul-cul-cac-poh/nv.ertiout