Lợi nhuận bội thu đến trong một tháng ảm đạm đối với các ngân hàng, với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và việc UBS tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse đã ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực này.
Theo dữ liệu từ Ortex, những người bán khống đã kiếm được tổng lợi nhuận ước tính khoảng 1,3 tỷ USD từ các vị thế bán đối với SVB. Khoản tiền lãi hơn 848 triệu USD đến từ bán khống First Republic, cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 89% trong tháng 3.
Các nhà đầu tư đã kiếm được 684 triệu USD từ việc bán khống Credit Suisse, do cuộc khủng hoảng niềm tin vào ngân hàng đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này giảm 71%. Lợi nhuận từ các vị thế bán khống trên toàn bộ lĩnh vực ngân hàng Mỹ và Châu Âu nói chung là 7,2 tỷ USD.
Peter Hillerberg, người đồng sáng lập Ortex cho biết: “Tháng 3 là tháng mang lại lợi nhuận cao nhất cho những người bán khống trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008”.
Ông cho biết, mặc dù cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh vào đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng có ít quỹ bán khống lĩnh vực này vào thời điểm đó.
Barry Norris, giám đốc đầu tư tại Argonaut Capital cho biết, ông đã có một tháng “xuất sắc” nhờ vào việc bán khống các ngân hàng bao gồm Credit Suisse và First Republic.
Marshall Wace, một trong những nhóm quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới cũng nằm trong số những người bán khống, quỹ này đã bán khống 0,7% cổ phần của Deutsche Bank. Các quỹ đã kiếm được khoảng 40 triệu USD từ các vụ bán khống Deutsche Bank.
Nhiều quỹ phòng hộ đã phản ứng với tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng bằng cách tăng các vị thế bán khống của họ.
Theo S&P Global Market Intelligence, các thương vụ bán khống Credit Suisse chỉ ở mức 3,5% số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng vào đầu tháng 3, nhưng đã tăng lên 14% vào ngày 20/3, một ngày sau khi Credit Suisse được bán cho UBS.
Các vị thế bán khống First Republic đã tăng vọt từ chỉ 1,3% vào đầu tháng 3 lên 38,5% vào ngày 30/3.
Tuy nhiên, lợi nhuận của những người bán khống trên Deutsche Bank không đạt được nhiều như kỳ vọng. Trong khi tỷ lệ bán khống vào ngân hàng đã nhanh chóng tăng từ 1,4% vào đầu tháng 3 lên tới 6,1% vào ngày 28/3, thì cổ phiếu của ngân hàng đã chạm đáy vào ngày 24/3 - ngày mà thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra bình luận trấn an thị trường và kể từ đó cổ phiếu đã phục hồi một và làm xói mòn lợi nhuận của những người bán khống.
Các quỹ phòng hộ dường như đang mong đợi các vấn đề tiếp theo sẽ xuất hiện trong lĩnh vực này. Vị thế bán khống đối với First Republic chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất của tháng 3 là 37,3%, trong khi các vị thế bán khống Deutsche Bank cũng chỉ giảm nhẹ.
Barry Norris, Giám đốc đầu tư tại Argonaut Capital đã nhấn mạnh chương trình hỗ trợ thanh khoản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được công bố vào tháng trước. Điều này làm giảm nguy cơ phá sản của các ngân hàng khu vực yếu hơn do thiếu tình trạng thanh khoản ở Mỹ, nhưng lãi suất cao có thể dẫn đến “tác động thảm khốc đối với biên lãi ròng, tạo ra rủi ro về khả năng thanh toán”.
“Cuộc khủng hoảng thanh khoản có lẽ đã kết thúc, nhưng cuộc khủng hoảng khả năng thanh toán sắp bắt đầu”, ông cho biết.