Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, ngoài thủ tục pháp lý, thị trường đóng băng, việc người mua nhà khó tiếp cận vốn cũng là bài toán khó.
Ông chia sẻ, khách hàng tiềm năng của công ty thuộc nhóm có nhu cầu ở thực, đã tích lũy được một phần, phần còn lại dự định mua trả góp nhưng không thể vay vì lãi suất thực tế lên đến 14% một năm. "Mức này quá cao nên người mua chùn tay. Chi phí lãi vay lớn khiến người dân tạm gác nhu cầu nhà ở sang một bên", ông Phúc nói.
CEO Phú Đông đánh giá, người dân phải gác việc mua nhà một phần do công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút khi kinh tế khó khăn, nhưng phần lớn là do lãi suất vượt khả năng chi trả. Điều này khiến đối tượng duy nhất còn nhu cầu nhà ở trên thị trường cũng trì hoãn quyết định mua nhà, dẫn tới thanh khoản chững lại.
Theo ông, dự án đầy đủ pháp lý, đủ giấy phép nhưng không bán được do lãi suất cao làm gián đoạn thị trường, gây khó cho cả người mua lẫn chủ đầu tư, không giúp dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.
"Các ngân hàng nên đánh giá lại để có lãi suất phù hợp cho khách hàng. Thông tin giảm lãi suất thời gian qua thực chất chỉ có tác dụng lớn về tâm lý nhưng chưa đi vào cuộc sống. Quan trọng là lãi suất cho vay cá nhân phải giảm mới góp phần cải thiện đầu ra cho thị trường bất động sản", ông Phúc nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát xác nhận, giữa lúc giá bất động sản giảm, nhiều chiết khấu, ưu đãi nhưng khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở vẫn quyết định đứng ngoài thị trường vì ngán lãi suất 14-15% một năm. Dù thông tin lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh nhưng thực tế người mua chưa thực sự tiếp cận được vùng lãi suất thấp. Mặt khác, nhiều người mua cũng thấy, nếu có giảm 1-1,5%, mức lãi suất 12,5-13% vẫn rất cao so với khả năng chi trả.
Ghi nhận của VnExpress tại top 5 công ty bất động sản có dự án tại TP HCM, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Long An và Bình Dương, 6 tháng gần đây (quý IV/2022 và quý I/2023) lượng nhà bán được sụt giảm mạnh 80-90%. Các chương trình khuyến mãi không đủ sức kích cầu khi người mua chê lãi vay cao trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng.
Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản đang phát triển dự án nhà ở tại TP Thủ Đức tiết lộ, hiện nay thị trường trầm lắng, chỉ còn lại nhóm khách có nhu cầu thật với số lượng rất ít nhưng cũng bị rơi rụng nhiều vì họ vướng bài toán lãi suất. Ông kể, khách thuộc tầng lớp trung lưu đi xem dự án thường chỉ đủ khả năng mua nếu vay 60% vốn ngân hàng. Thế nhưng nhiều tình huống thực tế, tổng tiền lãi vay và nợ gốc người mua phải trả chiếm hết một nửa thu nhập cả gia đình vốn đang bị cắt giảm thời kinh tế khó khăn, khiến họ tạm dừng kế hoạch mua nhà.
Báo cáo thị trường TP HCM và vùng phụ cận DKRA Group vừa công bố xác nhận, quý I năm nay sức cầu nhà ở giảm mạnh so với quý IV năm ngoái. Bên cạnh việc mạnh tay chiết khấu (áp dụng thanh toán nhanh), các chủ đầu tư còn kéo giãn lịch thanh toán nhằm kích cầu thị trường trong bối cảnh khó khăn nhưng chưa đủ sức cải thiện thanh khoản vài tháng qua.
Chia sẻ tại hội thảo để khơi thông dòng vốn trong nước cho thị trường bất động sản, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhìn nhận, lãi suất cho vay hiện nay "còn tương đối cao" và là vấn đề lớn bởi thực tế thời gian qua cho thấy, lãi suất tăng thì bất động sản giảm tốc.
Có nhiều lý do dẫn đến lãi suất tại Việt Nam cao. Theo ông Lực, thứ nhất, lạm phát luôn cao hơn trung bình thế giới. Thứ hai, kinh tế Việt Nam rủi ro, theo các tổ chức quốc tế xếp hạng đầu cơ không phải đầu tư - vay nước ngoài ngoại tệ 6-7%. Thứ ba, cho vay bất động sản thường kéo dài 10-12 năm (dài hạn) là rủi ro nên lãi suất phải cao hơn lãi suất huy động đầu vào. Thứ tư, chi phí giao dịch của nền kinh tế lớn (chiếm 25-30% so với chi phí ngành bất động sản). Ngân hàng khi cho vay cũng phải cân đối giữa lãi suất đầu vào và đầu ra.
Ông Lực dự báo lãi suất đang giảm và còn dư địa để tiếp tục giảm trong năm 2023. Hy vọng với diễn biến này, quý IV thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện hơn hiện nay khi lãi suất giảm đáng kể.
Vũ Lê