Tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương ì ạch, thậm chí giảm sâu cũng có nguyên nhân do suy giảm sức mua. Như tại TP.HCM, nói theo ngôn ngữ thống kê, "tổng cầu đầu tư và tiêu dùng đều giảm".
Nhìn ra thế giới, sức mua yếu khiến đơn đặt hàng của doanh nghiệp Việt bị teo tóp, không ít công nhân phải dừng việc... Cứu sức mua đang trở nên cấp bách.
Thử quanh một vòng phố, ít thấy xây sửa nhà dù đang là mùa khô - mùa xây cất. Vắng công nhân xây dựng, quán cơm vỉa hè cũng ế ẩm. Các điểm bán vật liệu xây dựng - trang trí nội thất mất doanh thu, anh chạy xe ba bánh chở vật liệu vắng mối hàng.
Thu nhập giảm, người dân chọn ăn ở nhà thay vì đi ăn tiệm. Hàng vạn người cho thuê căn hộ, mặt bằng đang "méo mặt" vì làn sóng trả nhà, xin giảm hoặc khất trả tiền thuê.
Đội quân môi giới bất động sản từng có thu nhập rủng rỉnh khi thị trường hừng hực, hàng triệu người có thêm tiền nhờ thị trường chứng khoán, nay đa số đều trở về trạng thái phải "đếm thóc trong bị", lấy gì mua sắm.
Rất nhiều cặp đôi sống bằng nghề môi giới bất động sản giờ lao đao chạy bữa qua ngày. Hàng triệu người vay tiền tiêu dùng, đặc biệt là trả góp mua căn hộ, nay phải bớt chi xài để trả cho khoản lãi vay tăng, bụng dạ nào mà mua sắm.
Thực trạng làm ăn khó khăn, thu nhập giảm đang chi phối thói quen tiêu dùng của xã hội càng khiến mọi người thắt chặt hầu bao.
Ai cũng lo tình hình còn khó khi các dự báo kinh tế, nhất là trên thế giới, vẫn ảm đạm. Mà Việt Nam là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, dân các nước thắt hầu bao thì sao ta tránh khỏi khó khăn.
Ấy vậy mà hàng chục triệu người làm công ăn lương đang vào đợt quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023, ai cũng nhấp nhỏm, bị truy thu thêm có mà...! Thôi thì gói ghém lại, ăn xài ít đi để lỡ có bị thu thêm thuế, hụt thêm một khoản thì cũng không bị động.
Chợt nghĩ, sao Nhà nước không làm gì đó để cho dân có tiền mua sắm, như giảm thuế thu nhập cá nhân chẳng hạn. Hay vướng luật?
Không, nếu quyết làm, như mùa COVID-19 đã từng có cơ chế đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng là một cách để tiền lại cho dân xài.
Thử tính, số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2022 là 166.700 tỉ đồng, cứ cho năm 2023 cũng là số này, nếu giảm 10% dân sẽ có 16.000 tỉ để mua sắm, nếu giảm 30% số này là 50.000 tỉ đồng...
Đã mơ phải mơ cho tới.
Rồi Nhà nước có thêm chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, có thể là 2% trong sáu tháng hay kéo dài đến hết năm 2023; tạm thời chưa tăng giá điện; thêm trợ cấp cho người có hoàn cảnh khó khăn; liên đoàn lao động trợ cấp cho người lao động... Tích tiểu thành đại, sẽ có thêm tiền để mua sắm.
Lúc này cần có một gói kích cầu sức mua cho dân để giúp duy trì thu nhập, tạo thêm việc làm, giữ đà tăng trưởng kinh tế.
Gói kích cầu sức mua lúc này còn quan trọng hơn cả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giãn hoãn nợ. Các chính sách này giúp doanh nghiệp trụ lại, còn giúp tăng sức mua, chính là đưa doanh nghiệp ra khỏi trì trệ, ế ẩm.
Chính phủ đang thúc giải ngân vốn đầu tư công 700.000 tỉ, thực chất là tăng sức mua hàng hóa.
Giảm thuế cho dân sẽ là cặp bài trùng để tạo sức mua cho nền kinh tế, nhưng cần làm ngay, dứt khoát để ngăn tâm lý thắt lưng buộc bụng lan rộng. Có thêm chút tiền cho dân mua sắm, mũi tên trúng nhiều đích.
TTO - Các chợ đầu mối như An Đông, Bến Thành, Bà Chiểu... một thời nhộn nhịp kẻ mua, người bán thì hiện tại không khí đìu hiu len lỏi khắp ngóc ngách khu chợ sầm uất, dù hoạt động của thành phố đã trở lại bình thường.
Xem thêm: mth.8551748090403202-mas-aum-id-es-iot-neit-oc/nv.ertiout