Mỗi buổi chiều, hai căn phòng trong dãy nhà nằm ở con hẻm trên đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) lại chộn rộn tiếng người. Chừng 20 đứa trẻ mặt mũi đen nhẻm, tóc cháy nắng đang dò dẫm từng chữ trong vở bài tập về nhà.
Gia sư học trò
Nguyễn Ngọc Linh Đan (lớp 10C1) cùng bạn đồng hành Trần Lê Khánh Hưng trong bộ đồng phục của trường đi lại giữa căn phòng hướng dẫn đám học trò chú ý vào bài giảng. Linh Đan khá hoạt bát và nhanh nhẹn. "Mình thấy vui, ngoài giờ học cứ mong tới phiên đi dạy để đến lớp cùng các em ở đây" - Đan nói khi đang kèm cậu học trò Lê Nhật Hoàng học.
Hoàng nhìn khá khôi ngô và nhanh nhẹn, cũng là đứa chịu khó học nhất trong lớp. Đang học lớp 7/5 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, nhiều năm nay mẹ gửi Hoàng nhờ bà ngoại vì phải mưu sinh xa nhà. Nhà khó khăn, xa mẹ, chuyện học của Hoàng sa sút. Nhưng từ khi được mấy anh chị qua hỗ trợ, học lực của cậu tốt hẳn, từ trung bình đã thành học sinh khá học kỳ vừa qua.
Không chỉ mình Hoàng mà nhiều bạn khác tại các trung tâm bảo trợ trẻ đường phố Đà Nẵng sau thời gian được các anh chị kèm cặp đã học tiến bộ hẳn. Hà Xuân Vang - học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ - kể đang ở với cậu và ông.
Nhà nghèo, học lực của Vang luôn nằm trong tốp dưới của lớp nên gia đình gửi vào học tại nhà 4 Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng. Cứ sau giờ học trên lớp, Vang lại về nhà chung học thêm với các anh chị nên từ học lực yếu Vang đã thành học sinh trung bình khá.
Giúp trẻ cũng là đang giúp mình
Chính sự tiến bộ và cả thái độ, sự hứng thú học hành của các bạn khiến thầy cô giáo học trò rất hào hứng mỗi khi đếp lớp.
"Hồi mới tiếp nhận, các bạn học chểnh mảng, không hào hứng lắm, có bạn còn tỏ thái độ như kiểu đang bị "tra tấn", bị ép học kìa. Tụi mình hiểu hoàn cảnh đặc biệt của các bạn nên cố gắng mỗi ngày hiểu tâm tính từng em, cứ kiên nhẫn, tìm cách khơi dậy sự hứng thú cho các bạn qua từng bài học và dần thấy các bạn chịu nghe, thay đổi hẳn" - Linh Đan khoe.
Các gia sư học trò được tập hợp qua hoạt động Đoàn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trong đội công tác xã hội của trường. Để có thể đi dạy, mỗi bạn phải qua ba vòng xét duyệt.
Ngoài việc cần có học lực tốt, tinh thần tích cực, mỗi bạn cần có phương án hoạt động thiện nguyện thuyết phục được nhà trường mới được chọn tham gia đội hình gia sư học sinh này. Dĩ nhiên, các bạn đều đảm bảo giữ kết quả và không ảnh hưởng đến thời gian học tập của mình khi tham gia hoạt động này.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - giáo viên môn hóa của trường - nói các thầy cô trong trường rất tự hào về sự say mê, lòng dấn thân của các học trò mình trong những hoạt động hướng về cộng đồng. Chương trình dạy học cho trẻ đường phố đã được trường duy trì nhiều năm qua, đều đặn mỗi tuần có khoảng 50 thầy cô giáo học trò tham gia. Các bạn tự túc đến các điểm dạy sau giờ tan học, mỗi người phụ trách từng môn tùy theo lượng học sinh ở các nơi.
Trần Lê Khánh Hưng (lớp 10A4) cho biết ngoài dạy học cho trẻ đường phố, các bạn còn tham gia hỗ trợ một số hoạt động tại các trung tâm bảo trợ người già, những người có hoàn cảnh neo đơn, người khó khăn khác. Các hoạt động được các bạn duy trì đều đặn, được nhà trường theo dõi, đánh giá hiệu quả sau mỗi hoạt động.
Khánh Hưng tự hào khoe không dễ để có một chân trong đội thiện nguyện của trường. Như Hưng cho biết bạn đã phải thi ba vòng với vòng cuối là trình bày dự án dự định triển khai trước hội đồng trong trường. "Sau giờ trên lớp, những hoạt động này không chỉ giúp mình gần gũi, chia sẻ hơn với cộng đồng mà còn giúp mình cùng các thành viên khác trong đội thấy tự tin, có kỹ năng mềm tốt hơn hẳn" - Hưng nói.
TTO - 30 năm qua, với lòng yêu trẻ, những nhân viên của Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn (quận 3, TP.HCM) đã làm được một việc khó: giữ cho hàng ngàn trẻ đường phố, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tránh xa cạm bẫy cuộc đời, trở thành người có ích.
Xem thêm: mth.30800239090403202-ohp-gnoud-ert-ohc-us-aig-mal-ort-coh-ihk/nv.ertiout