Phương là người bố "gà trống nuôi hai con". Là DOP, đạo diễn hình ảnh cho một đài truyền hình lớn, nhưng anh không ngại đeo tạp dề, học nấu ăn, tết tóc cho con. Tình yêu thương của anh dành cho con xúc động đến rưng rưng và dung dị.
Chân dung người đàn ông đeo tạp dề
Bảy năm trước, khi tôi quen Phương ở quận Tây Hồ, Hà Nội, cũng là lúc anh và vợ chính thức ly hôn. Nhưng phải mãi sau này khi làm chung một dự án, tôi mới biết Phương một mình nuôi hai con sinh đôi.
Thú thật, tôi khá sốc khi biết điều đó. Tôi vẫn nghĩ chăm sóc trẻ con là sở trường của phụ nữ. Nhiều chị em còn chật vật khi làm mẹ đơn thân. Phương là đàn ông, hẳn anh sẽ khó khăn hơn. Vậy mà anh có tới hai đứa con bằng tuổi nhau. Một "gà trống nuôi hai con", tôi không biết anh xoay xở thế nào.
Nếu việc Phương "gà trống nuôi hai con" là bất ngờ thứ nhất thì bất ngờ thứ hai là khi tôi bắt gặp Phương ở một trung tâm dạy nghề. Anh đăng ký tham gia một lớp dạy nấu ăn.
Tôi thấy Phương đeo tạp dề bưng một cái nồi ở khu bếp đi sang một phòng khác. Tôi tròn mắt nhìn mà không thốt được lên lời. Phương thấy tôi nhưng dở việc nên một lát mới chạy ra. Cầm tập tài liệu tôi đưa, Phương lại vội vã đi vào trong khu bếp.
Tôi đoán có thể Phương tham gia một nhóm từ thiện nào đó. Nhưng một nhân viên phục vụ khóa học đã nói sau khi thấy chúng tôi gặp nhau ngoài hành lang: "Tôi chỉ thấy đàn ông học nấu ăn để làm đầu bếp nhà hàng, khách sạn, chứ đàn ông học để nấu cơm hằng ngày cho con thì có chú ấy là một".
Thấy tôi ngơ ngác, cô nhân viên nói tiếp: "Tôi thấy chú ấy nói chuyện với cô khi nãy, tưởng cô biết rồi chứ. Tôi nghe nói chú ấy ly hôn, phải nuôi con nên chú ấy đi học để có thể nấu nướng cho con hằng ngày".
Cuộc đời có nhiều sự kỳ lạ. Một người đàn ông nuôi hai con sau ly hôn và tranh thủ lúc con đi chơi với mẹ nó đã đăng ký học nấu ăn để nấu cho các con. Lần đầu tôi biết điều này. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa gặp ai như Phương.
Gần xong dự án làm chung, tôi mới hỏi Phương về chuyện đi học nấu ăn. Phương kể: "Thời còn độc thân, nếu chán cơm hàng cháo chợ thì chỉ biết nấu mì ăn liền chứ đâu biết gì chuyện bếp núc. Khi mẹ bọn trẻ đi, em lúng túng không biết xoay thế nào. Em hiểu từ đây, mình sẽ phải tự lo là chính trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Có quá nhiều thứ phải lo, phải làm. Trong sự rối ren ấy, em nghĩ mình phải bắt đầu từng việc và em ưu tiên việc làm sao để tự nấu cho các con những bữa ăn tử tế".
Kết thúc dự án, chúng tôi không gặp nhau thường xuyên nữa. Tôi tặng Phương một món quà. Đó là một chiếc tạp dề có màu sắc nam tính, bên trong có lớp ni lông lót để chống thấm nước.
"Đẹp quá, đúng cái em cần, cảm ơn chị", Phương nói.
Thế mà lúc mua đồ, tôi hơi lo sợ Phương sẽ tự ái. Vì câu cửa miệng của nhiều người khi chê bai một ai đó thường là "tính đàn bà lắm", hay "thằng đấy chỉ nên mặc váy". Tôi nói với Phương suy nghĩ đó, nhưng anh nói: "Đeo cà vạt, comple hay tạp dề cũng đều là thứ ở ngoài thôi mà chị. Vấn đề là tùy tình huống, công việc, cái này phù hợp còn cái kia thì không. Làm mọi thứ cho con thì người ta gọi mình là ai, em không quá quan tâm".
Hai chiếc "rơ mooc"
Bọn trẻ trở thành hai chiếc "rơ mooc" luôn dính với Phương trong suốt bảy năm. Vì con, Phương không chỉ học nấu ăn, mà anh đã học đủ thứ khác, kể cả việc tết tóc cho con gái.
Phương kể hồi con gái mới về ở cùng, anh đã rất khổ công học tết tóc cho con. Vất vả mới tết được tạm ổn, Phương dặn con cố gắng giữ "thành quả của bố" đến giờ tan học. Nhưng rồi chỉ nửa buổi tóc đã bù xù. Nhiều khi cô giáo chủ nhiệm phải tết lại tóc cho con anh.
"Thấy hơi phiền nên em quyết định cắt tóc cho con gái như con trai cho dễ gội, dễ chải. Mãi tới khi lên lớp 6, em mới cho con để tóc dài", Phương cười nói.
Trong khoảng thời gian bọn trẻ bước vào tuổi dậy thì, Phương hay hỏi tôi về tâm sinh lý của con gái khác con trai thế nào, làm sao có thể giúp các con vượt qua những thay đổi ở tuổi này.
Có lần Phương đột ngột gọi tôi vào buổi tối chỉ để hỏi tôi hướng dẫn như thế nào khi con bắt đầu có kinh nguyệt. "Mua băng vệ sinh loại nào thì tốt và phù hợp với bé gái mới bắt đầu kỳ kinh nguyệt?", Phương hỏi tôi với vẻ lo lắng.
Tôi giải thích không đủ nên đã đi mua sách gửi cho Phương. Anh "nghiên cứu" sách tôi gửi một cách nghiêm túc, còn viết lại vào cuốn sổ những điều cần thiết.
Suốt thời gian quen Phương và biết những việc liên quan tới anh và bọn trẻ, tôi luôn có một thắc mắc về mẹ của chúng. Cô ấy đã ở đâu khi con ốm, khi con gái bước vào giai đoạn thay đổi tâm sinh lý cần có sự gần gũi quan tâm của người mẹ?
Cho tới khi Phương chủ động nói: "Mẹ bọn trẻ đi nước ngoài ngay sau khi em mang con gái về để anh em nó được ở cùng nhau. Cô ấy muốn ổn định với việc làm giảng viên ở trường nghệ thuật nên đi học nâng cao trình độ cũng cần thiết. Gần đây, cô ấy cũng tìm được hạnh phúc mới. Em đã nhận nuôi con nên muốn cô ấy yên tâm học hành. Cô ấy đã nhường con cho em, em cũng muốn cô ấy có cơ hội tìm được nơi an ủi mới, không phải vướng bận gì".
Suy nghĩ của Phương không giống với số đông khi nhìn vào hoàn cảnh tương tự như anh. Tôi không biết anh có nói đỡ cho vợ cũ hay không, nhưng rõ ràng là anh đặt hết yêu thương của đời mình vào bọn trẻ. Vì thế mà thay vì oán trách vợ cũ không có trách nhiệm với con cái, anh lại chỉ áy náy khi mình đã "độc chiếm" các con.
Phương bảo anh có hai "rơ mooc", nhưng không phải "rơ mooc" phiền muộn mà là những "rơ mooc" nhí nhố, đáng yêu, "rơ mooc" hạnh phúc.
Mới đây khi các con ôn thi vào lớp 10, Phương từ chối một dự án công việc có lợi cho sự nghiệp để chuyên tâm chăm lo cho các con. Nhưng bọn trẻ không đỗ vào trường chúng mơ ước học nhất mà chỉ đỗ nguyện vọng 2.
"Các con đều đã cố hết sức rồi và bố tự hào vì sự cố gắng đó", Phương nói với các con khi biết chúng khó đậu được vào trường có nguyện vọng 1.
Ngày mới nhập học ở trường mới, Phương cứ tha thiết xin nhà trường cho trồng một cái cây trong vườn trường.
"Em không muốn nói nhiều quá với các con về việc thất bại và phải vượt qua. Những điều đó lý thuyết quá. Em muốn ba bố con trồng một cái cây ở trường mới để kỷ niệm vui đó trở thành nguồn động viên cho bọn trẻ. Em dặn các con chăm sóc và quan sát cái cây lớn lên thế nào. Có thể sau này chúng sẽ hiểu, để một cái cây đâm thêm chồi mới, cao lên vài chục phân là cả một sự khổ công, nỗ lực".
Phương là một người bố sâu sắc và luôn yêu thương con theo cách của mình. Tôi mới đọc một status của Phương trên Facebook khoe điểm thi giữa kỳ của các con. Sự "huênh hoang" này trái với bản tính lặng lẽ của Phương. Nhưng tôi hiểu được và cho rằng Phương xứng đáng hơn ai hết được khoe đàng hoàng về thành quả mà bố con anh đã nỗ lực.
Tôi tặng anh 1.000 like, vì câu chuyện của anh cho tôi thêm niềm tin ly hôn không phải bi kịch khủng khiếp với những đứa trẻ nếu chúng vẫn được sống trong sự yêu thương. Nhất là yêu thương của một người bố như Phương.
Sau cuộc ly hôn, nhiều trẻ vẫn được bảo bọc yêu thương của cha mẹ, nhưng cũng có những trẻ rơi vào vòng xoáy của bi kịch kéo dài và mang những tổn thương, mảnh vỡ ký ức đầy ám ảnh.