Sự việc diễn ra hôm 29-9-2022 ở ngoài khơi bán đảo Crimea, nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga, báo Washington Post dẫn nguồn từ một trong những tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ trên mạng xã hội tiết lộ.
Tài liệu này gọi vụ việc là "vụ suýt bắn hạ máy bay RJ của Anh", trong đó RJ là ký hiệu thường dùng để chỉ dòng máy bay trinh sát RC-135.
Ngoài vụ việc trên, tài liệu này còn báo cáo chi tiết một số động thái phản ứng của Nga với các chuyến bay do thám khác được Mỹ, Anh và Pháp thực hiện từ tháng 10-2022 đến cuối tháng 2-2023.
Việc gắn mác vụ việc là "suýt bắn hạ" trái ngược và nghiêm trọng hơn nhiều báo cáo trước đó của Bộ Quốc phòng Anh về vụ việc này.
Theo đó, hồi tháng 10-2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace báo cáo với Hạ viện nước này rằng hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã chặn đường bay của một chiếc RC-135 đang làm nhiệm vụ trên không phận quốc tế gần Biển Đen.
Ông Wallace mô tả hai máy bay Nga đã bay "liều lĩnh", một trong hai áp sát chiếc RC-135 ở khoảng cách chưa đầy 5m.
Sau đó, máy bay Nga đã "thả một quả tên lửa" từ xa nhưng không bắn trúng máy bay Anh. Chiếc RC-135 sau đó đã an toàn trở về căn cứ.
Ông Wallace nói rằng đây chỉ là "sự cố kỹ thuật" và đã trao đổi với quan chức quốc phòng cấp cao của Nga về vấn đề này, chứ không phải là "suýt bắn hạ" như tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo báo Washington Post, vụ việc này thể hiện rõ quan điểm cố gắng hỗ trợ Ukraine nhưng tránh để bị kéo vào xung đột vũ trang trực tiếp với Nga của các nước phương Tây.
Theo hiệp ước của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại một thành viên liên minh sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên còn lại, và các nước trong liên minh đều sẽ tham chiến.
Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Nga tại Washington D.C (thủ đô Mỹ) đều từ chối bình luận về các nội dung trong tài liệu bị rò rỉ này.
Ngày 20-3, Nga nói máy bay chiến đấu Su-35 của nước này đã chặn hai máy bay B-52 của Mỹ đang bay trên biển Baltic, hướng về biên giới Nga. Mỹ chưa lên tiếng.
Xem thêm: mth.48562600101403202-hna-auc-tas-hnirt-yab-yam-ah-nab-tyus-agn/nv.ertiout