Tesla từng khẳng định với hàng triệu chủ xe rằng quyền riêng tư luôn được đặt lên hàng đầu. Camera được gắn trong phương tiện cũng chỉ nhằm mục đích hỗ trợ quá trình lái xe chứ không hề có ý xâm phạm cuộc sống cá nhân.
Tuy nhiên, thông tin mới đây được Reuters đăng tải cho biết từ năm 2019 đến năm 2022, nhân viên Tesla đã chia sẻ rất nhiều hình ảnh riêng tư trích xuất từ camera thông qua hệ thống nhắn tin nội bộ. Một số đoạn ghi âm và hình ảnh khiến khách hàng hãng xe điện muối mặt. Đặc biệt, việc làm rò rỉ chiếc video ghi lại hình ảnh một người đàn ông hoàn toàn khỏa thân trước khi bước vào xe khiến Tesla trở thành trung tâm của sự chỉ trích.
Trước đó, Tesla tuyên bố trong một thông báo về quyền riêng tư rằng các bản ghi camera được cài đặt ở chế độ ẩn danh và không được liên kết với phương tiện. Tuy nhiên, 7 cựu nhân viên Tesla lại thừa nhận với Reuters rằng chương trình máy tính mà họ sử dụng tại nơi làm việc có thể ghi âm và hiển thị vị trí nơi chủ sở hữu Tesla đang sống. Một số đoạn ghi âm được thực hiện khi ô tô dừng lại và tắt động cơ.
“Chúng tôi có thể nhìn thấy bên trong nhà để xe của khách hàng. Cả tài sản riêng tư của họ”, một cựu nhân viên cho biết.
Theo lời kể của một cựu nhân viên khác, việc chia sẻ hình ảnh riêng tư của khách hàng giúp “phá vỡ sự đơn điệu” trong môi trường làm việc. “Nếu bạn nhìn thấy thứ gì đó hay ho và lan truyền chúng, vào giờ nghỉ giải lao, mọi người sẽ đến gặp bạn và nói, ‘Ồ, thấy rồi nhé. Điều đó thật buồn cười’. Những người được thăng chức đều đã chia sẻ rất nhiều điều hài hước”.
Các video về các vụ tai nạn liên quan đến Tesla đôi khi cũng được chia sẻ trong các cuộc trò chuyện riêng tư trên Mattermost, một số cựu nhân viên cho biết.
Khoảng 3 năm trước, video đậu bên trong gara của chiếc xe trị giá 968.000 USD của chính Elon Musk cũng được lan truyền nội bộ. Không rõ liệu Musk có biết về việc hình ảnh chiếc xe mình bị chia sẻ hay không.
Để đưa tin về câu chuyện này, Reuters đã liên hệ với hơn 300 cựu nhân viên Tesla, những người đã làm việc tại công ty này suốt 9 năm qua. Hơn 10 người đồng ý trả lời, với điều kiện được giấu tên.
Reuters không có được bất kỳ video hoặc hình ảnh nào được chia sẻ trước đây. Bản thân hãng tin này cũng không thể xác định liệu việc rò rỉ thông tin khách hàng có còn tiếp diễn. Một số nhân viên cho biết họ quan sát camera vì mục đích công việc hợp pháp.
“Thành thật mà nói, đó là một sự vi phạm quyền riêng tư. Tôi sẽ không bao giờ mua Tesla sau khi chứng kiến sự vụ này”, một cựu nhân viên cho biết.
“Tôi cảm thấy phiền cho những người mua xe. Họ không biết quyền riêng tư của mình bị xâm phạm. Chúng tôi có thể thấy những hành động thân mật bên trong xe. Chúng tôi có thể nhìn thấy cả con cái của họ”, một cựu nhân viên khác nói.
David Choffnes, Giám đốc điều hành của Viện An ninh mạng và Quyền riêng tư tại Đại học Đông Bắc ở Boston, gọi hành vi chia sẻ các video và hình ảnh nhạy cảm của khách hàng là “đáng trách về mặt đạo đức”.
“Bất kỳ ai cũng sẽ kinh hoàng trước điều này,” David Choffnes nói, đồng thời lưu ý rằng việc lưu hành những nội dung cá nhân trên là vi phạm chính sách quyền riêng tư của Tesla và có thể dẫn đến sự can thiệp của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.
Để phát triển công nghệ xe tự lái, Tesla thu thập một kho dữ liệu khổng lồ từ đội xe trên toàn cầu. Công ty thường yêu cầu chủ sở hữu ô tô cấp quyền trên màn hình cảm ứng trước khi Tesla thu thập dữ liệu về phương tiện.
Trong thông báo về quyền riêng tư của khách hàng, Tesla giải thích rằng nếu khách hàng đồng ý chia sẻ dữ liệu, Tesla có thể thu thập thông tin và phân tích nhằm cải thiện sản phẩm, tính năng và lường trước sự cố. Dữ liệu có thể bao gồm “các đoạn video ngắn hoặc hình ảnh”.
Theo Carlo Piltz, một luật sư về quyền riêng tư dữ liệu ở Đức, rất khó để bao biện cho việc ghi lại hình ảnh khách hàng mà không nhằm mục đích bảo mật hay cung cấp phương tiện an toàn. Kết luận được đưa ra dựa trên luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư châu Âu.
Trong những năm gần đây, hệ thống camera trên ô tô của Tesla đã gây ra nhiều tranh cãi. Tại Trung Quốc, một số cơ quan chính phủ và khu dân cư ban hành lệnh cấm với Tesla vì lo ngại tính an toàn của các camera. Đáp lại, Musk khẳng định: “Nếu Tesla sử dụng ô tô để do thám ở Trung Quốc hoặc bất kỳ đâu, công ty sẽ đóng cửa”.
Ở một số khu vực, cơ quan quản lý đã xem xét kỹ lưỡng hệ thống Tesla. Tuy nhiên, việc xâm phạm quyền riêng tư lại không nhằm vào chủ xe mà lại là người qua đường - những đối tượng không biết mình đang bị camera ghi lại.
Vào tháng 2, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Hà Lan, hay DPA, cho biết họ đã kết thúc cuộc điều tra Tesla về các vi phạm quyền riêng tư có thể xảy ra. Kết luận như sau:
“Người đi bộ qua các phương tiện này không hề hay biết mình bị ghi hình. Chủ sở hữu Tesla có thể xem lại những hình ảnh này,” thành viên hội đồng quản trị DPA Katja Mur cho biết trong một tuyên bố. “Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư.”
Cơ quan giám sát sau đó xác định không phải Tesla mà là chủ sở hữu của các phương tiện cần chịu trách nhiệm pháp lý về các bản ghi lại này. Tesla cũng không bị phạt vì cam kết sẽ thực hiện một số thay đổi đối với Chế độ Sentry, bao gồm việc bật đèn pha để thông báo cho người qua đường rằng họ có thể bị ghi hình.
“Dữ liệu cá nhân phải được sử dụng cho một mục đích cụ thể. Dữ liệu cá nhân nhạy cảm phải được bảo vệ.”, DPA nói.
Theo: Reuters