Mặc dù mở cửa khá thuận lợi khi sắc xanh trở lại trên diện rộng thị trường giúp VN-Index lấy lại đà tăng sau 2 phiên điều chỉnh cuối tuần trước, tuy nhiên áp lực bán gia tăng hơn về cuối phiên, đáng kể là sự đảo chiều hoặc nới rộng đà giảm của một số mã lớn như VCB, BID, VIC, HPG…, đã khiến thị trường tạm khép phiên sáng trong trạng thái điều chỉnh nhẹ.
Bước sang phiên giao dịch chiều, chỉ số VN-Index tiếp tục có những nhịp bật hồi nhẹ và thử thách mốc 1.070 điểm. Tuy nhiên, áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép khiến thị trường nhanh chóng quay đầu.
Thị trường khép lại phiên đầu tuần trong sắc đỏ, ghi nhận phiên giảm nhẹ thứ 3 liên tiếp, nhưng thanh khoản khá tốt với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE tiếp tục vượt mức 15.000 tỷ đồng. Sự nhập cuộc khá sôi động của dòng tiền sẽ giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn về triển vọng thị trường.
Chốt phiên, sàn HOSE có 173 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,41%), xuống 1.065,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 857,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.056 tỷ đồng, tăng 32,73% về khối lượng và 39,64% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 7/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 68,25 triệu đơn vị, giá trị 1.975,78 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh với MWG tăng 5,1%, POW tăng 2,3%, TCB tăng 2,2%, HDB tăng 1,3%, BVH tăng 0,8%; cùng 5 mã là GVR, MBB, TPB, VIB, VPB đứng giá tham chiếu.
Trái lại, có tới 20 mã mất điểm, với sự dẫn đầu là HPG giảm 2,4%, các mã lớn khác như BID giảm 2,1%, VHM giảm 1,8%, GAS giảm 1,7%, PLX, VCB và VIC đều giảm 1%...
Xét về nhóm ngành, cùng sự đóng góp của MWG, nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn dẫn đầu đà tăng của thị trường với DGW và PET giữ vững đà tăng trần và đều trong trạng thái dư mua trần vài trăm nghìn đơn vị cùng khối lượng khớp lệnh hơn 2-3 triệu đơn vị, FRT tăng 4,1%, VGC tăng gần 3%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán chỉ còn tăng nhẹ. Trong đó, nhiều mã không còn giữ phong độ và đảo chiều giảm điểm như VCI, SSI, HCM, BSI, CTF dù mức giảm không quá lớn. Trong khi đó, VDS vẫn giữ đà tăng trần, các mã khác thu hẹp biên độ như VND chỉ còn tăng nhẹ 0,6%, VIX tăng 1%, ORS tăng 1,2%, FTS tăng 0,7%.
Trong đó, VND và SSI vẫn thuộc top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 35,16 triệu đơn vị và 25,55 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa và vẫn giảm nhẹ. Trong đó, VCB giảm 0,9%, BID giảm 1,75% và các mã CTG, VPB, ACB, LPB, MSB, OCB, TPB kết phiên giảm nhẹ trên dưới 0,5%; trái lại TCB tăng 1,86%, HDB tăng hơn 1% cùng các mã MBB, STB, VIB kết phiên xanh nhạt.
Cổ phiếu SHB tiếp tục kéo mạnh trong đợt khớp lệnh ATC nhờ khớp thêm hơn 10 triệu đơn vị. Kết phiên, SHB tăng 3,4% lên mức giá cao nhất trong ngày 12.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội trên thị trường, đạt hơn 52,41 triệu đơn vị.
Ở nhóm bất động sản, ảnh hưởng chung trên thị trường, nhiều mã giảm khá mạnh như VCG giảm 4,5% xuống mức thấp nhất ngày 19.950 đồng/Cp, LCG giảm 4,7%, HHV giảm 3%, TCH giảm 2,3%, CII giảm 2%, NVL, DXG, HQC cũng đều đảo chiều giảm.
Tuy nhiên, vẫn có những mã ngược dòng khá ngoạn mục thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp như TIP kết phiên tăng trần và dư mua trần gần 0,36 triệu đơn vị; KBC tăng vọt với biên độ 5,4% lên vùng giá cao trong ngày 26.400 đồng/CP, đồng thời thanh khoản cũng vọt tăng, đạt 10,65 triệu đơn vị khớp lệnh; SZC tăng 2,2%...
Bộ 3 cổ phiếu thép tiếp tục nới rộng đà giảm, với HPG giảm 2,4% xuống 20.700 đồng/CP và khớp 26,11 triệu đơn vị, HSG giảm 3,7% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 15.600 đồng/CP và khớp hơn 22,18 triệu đơn vị, còn NKG giảm 2,4% xuống 14.450 đồng/CP và khớp 12,53 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên giao dịch cầm chừng, áp lực bán gia tăng đã khiến HNX-Index rung lắc và may mắn hồi nhẹ trong bối cảnh thị trường chung phân hóa.
Chốt phiên, sàn HNX có 84 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,19%) lên 212 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 154,23 triệu đơn vị, giá trị 2.038,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 209,76 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường. Cùng đà tăng nới rộng hơn tại SHB, cổ phiếu SHS cũng đã kéo trần thành công và đóng cửa đứng tại mức giá cao nhất 10.400 đồng/CP, cùng thanh khoản vượt trội lên tới hơn 69,73 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã chứng khoán khác có phần suy yếu như BVS chỉ còn tăng nhẹ 0,5%, trong khi MBS đảo chiều giảm 1,2%, APS giảm 0,7%.
Ngoài ra, nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng đảo chiều giảm như CEO giảm 2% xuống mức 25.000 đồng/CP và khớp hơn 11,77 triệu đơn vị, HUT giảm 3,5% xuống mức 16.600 đồng/CP, TNG giảm 2,3% xuống 17.200 đồng/CP và khớp 1,93 triệu đơn vị…
Trong khi đó, cặp IDJ và API tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Cụ thể, IDJ kết phiên tăng 7,7% lên 12.600 đồng/Cp và khớp hơn 7,95 triệu đơn vị, còn API tăng 8,7% lên sát trần 13.700 đồng/Cp và khớp 2,38 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù có những nhịp hồi nhẹ nhưng thị trường vẫn không thoát khỏi xu hướng giảm nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,22%) xuống 77,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,43 triệu đơn vị, giá trị 433,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,72 triệu đơn vị, giá trị gần 72 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 5,88 triệu đơn vị giao dịch và kết phiên tiếp tục tăng nhẹ 0,6% lên 16.200 đồng/CP.
Các cổ phiếu khác trong top 5 thanh khoản cũng kết phiên trong trạng thái tăng nhẹ. Cụ thể, SBS tăng 1,7% và khớp 4,66 triệu đơn vị, C4G đứng giá tham chiếu và khớp 3,77 triệu đơn vị, VHG tăng 4,2% và khớp 1,9 triệu đơn vị, ABB tăng 2,4% và khớp 1,7 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý trên thị trường UPCoM vẫn là cổ phiếu PGB khi ghi nhận phiên tăng thứ 11 liên tiếp khi Petrolimex thoái vốn. Đặc biệt trong phiên hôm nay, PGB kéo trần thành công với mức tăng 14,9% lên 28.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 265.900 đơn vị và dư mua trần 349.300 đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2304 giảm 2,3 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.072,8 điểm, khớp lệnh gần 163.950 đơn vị, khối lượng mở gần 54.430 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó mã khớp lệnh cao nhất là CMWG2302 khớp hơn 2,2 triệu đơn vị, kết phiên tăng 9,7% lên 340 đồng/CQ. Trong khi đó, đứng ở vị trí thứ 2 là CVHM2216 khớp 1,92 triệu đơn vị, kết phiên giảm 19,2% xuống 210 đồng/cq.