Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 10-4, dọc con đường cặp vách Trung tâm Thể dục thể thao huyện Thoại Sơn chạy lên đỉnh núi Sập có ít nhất ba khu đất được xây dựng công trình kiểu biệt thự.
Từ chân núi lên khoảng 200m, đối diện chùa Linh Sơn là một công trình xây dựng dang dở, bên ngoài là bờ rào đá và lưới B40 có chiều dài mặt tiền khoảng 23m, bên trong là một căn nhà cột bê tông, tường gạch.
Người dân địa phương cho hay công trình này của bà Lệ, chủ doanh nghiệp từ TP Long Xuyên tới.
Đi tiếp một đoạn thì gặp một khu nhà kiên cố, có tường rào bằng đá vĩnh cửu cao khoảng 2m, chạy dài 52m mặt tiền đường. Bên trong khu nhà này có một căn nhà có diện tích dài 15m, rộng 6m; có kết cấu cột bê tông, tường đá vĩnh cửu kiên cố, lát gạch, mái ngói...
Ngôi nhà được ốp gỗ cửa sổ, vách tường trong nhà; nhà có lắp máy lạnh, có sofa gỗ... rất khang trang như một biệt thự nghỉ dưỡng. Theo người dân, công trình này của ông Beo, cũng là một chủ doanh nghiệp.
Bề thế nhất là khu "biệt phủ" có diện tích ngang 62m, dài 40m, tọa lạc bên lề đường lên chùa Duyên Phước.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Núi Sập, ngày 30-8-2021, ông Trương Văn Thành (50 tuổi) gửi đơn "xin phép về việc cải tạo, sửa chữa lại diện tích đất núi để tạo mặt bằng trồng cây rừng, cây dược liệu và làm nhà tiền chế để bảo quản nguồn dược liệu" và được lãnh đạo UBND thị trấn Núi Sập chấp thuận.
Tuy nhiên, hai tháng sau, UBND thị trấn Núi Sập cử cán bộ đến kiểm tra thấy hiện trạng xây dựng là hai căn nhà với đầy đủ khung bê tông, tường gạch, mái lợp tôn, nền gạch men và phía trước có hàng rào kè đá, cổng sắt, cột bê tông, sân lát gạch vỉa hè...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Điệp - chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập - cho biết trên núi Sập có bốn ngôi nhà như biệt thự đều xây dựng trái phép. Trong đó, ông T., cựu lãnh đạo TP Long Xuyên, có hai nhà liền kề; hai nhà còn lại của ông Trần Kiều Mai Diễm Phước (thường gọi là ông Beo) và bà Nguyễn Minh Lệ. Cả hai đều ngụ tại TP Long Xuyên.
Theo ông Điệp, ông về nhận nhiệm vụ bí thư, chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập vào tháng 8-2022. Biệt thự của ông Beo được khởi công xây dựng từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Còn căn nhà bà Lệ khởi công vào tháng 3-2022 và đến cuối năm 2022 đã xây dựng hoàn thành. Chỉ đến khi dư luận bàn tán về "biệt phủ" được cho là của cựu lãnh đạo TP Long Xuyên thì cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện các công trình nói trên.
"Lúc tôi về thì họ xây dựng gần hoàn thành rồi. Núi Sập này bây giờ toàn lãnh đạo, là cấp trên của mình không hà nên... bó tay. Núi Sập từ đó giờ không cho ai xây dựng nhà trên núi cả. Từ nay trở về sau cũng vậy, chúng tôi sẽ làm văn bản thông báo cho người dân biết nơi nào xây dựng được, nơi nào không để mọi người biết", ông Điệp giải thích.
Sẽ xử lý nghiêm và thông tin rõ ràng với báo chí
Ông Dương Ngọc Lắm - chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn - cho biết Tỉnh ủy An Giang đã họp các ngành tư pháp nghe huyện Thoại Sơn báo cáo về vụ "biệt phủ" xây dựng trái phép trên núi Sập. Sau đó Tỉnh ủy An Giang đã giao cho huyện Thoại Sơn cùng với Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp xử lý dứt điểm.
"Có thể sẽ trả lại hiện trạng ban đầu, không thể cho tồn tại được. Hiện nay chúng tôi đang chờ kết luận cuộc họp của Tỉnh ủy An Giang để bắt tay vào làm", ông Lắm nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Huyện ủy Thoại Sơn khẳng định: "Tỉnh ủy An Giang đã có chỉ đạo Huyện ủy Thoại Sơn phải xử lý nghiêm minh. Chúng tôi đã yêu cầu UBND huyện Thoại Sơn phải xử lý nhanh, nghiêm túc và thông tin báo chí rõ ràng trong vụ này".
Nhiều ngày qua, người dân bàn tán xôn xao trước “biệt phủ” xây dựng trái phép trên núi Sập gây bức xúc trong dư luận.
Xem thêm: mth.54682119011403202-pehp-iart-yax-ued-pas-iun-nert-uht-teib-cac/nv.ertiout