Hôm nay 11-4 là phiên điều chỉnh giá xăng dầu, nhưng cách đây vài ngày trước, mức chiết khấu xăng dầu đã giảm mạnh, thậm chí chỉ còn... 0 đồng, khiến các doanh nghiệp (DN) bán lẻ lại "đứng ngồi không yên".
Lỗ nặng do chiết khấu giảm sâu
Ông N.V.T., một thương nhân phân phối tại Hà Nội, cho hay chiết khấu tại các kho xăng dầu phía Bắc mà DN này nhập hàng đã quay lại mức 0 đồng, thay vì được chiết khấu vài trăm đồng như trước đó.
Do vậy DN bán lẻ đang phải chịu lỗ tiền vận chuyển, chưa kể tiền thuê mặt bằng, chi phí nhân công, lãi vay... càng khiến hoạt động kinh doanh rơi vào bế tắc.
Theo ông T., mức chiết khấu do DN đầu mối định đoạt, "cho bao nhiêu thì bán lẻ được bấy nhiêu".
"Trong hai tháng qua, khi giá cả trên thị trường khá ổn định, có xu hướng giảm nên chiết khấu ở mức khoảng 1.000 đồng, thậm chí có lúc lên tới gần 2.000 đồng/lít. Tuy vậy thời gian duy trì mức chiết khấu cao như vậy rất ít. Khi giá xăng dầu thế giới lên, chiết khấu giảm rất nhanh" - vị này nói.
Một thương nhân kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM cho hay mức chiết khấu hiện nay chỉ còn gần 300 đồng/lít với xăng RON95, chưa kể nguồn cung hàng bị hạn chế, đại lý muốn mua thêm phải đặt trước đó nhiều ngày.
Tình trạng bán hàng từ đầu mối hạn chế thường xảy ra mỗi khi giá tăng khoảng 1.000 đồng, nên các thương nhân bán lẻ không những gặp khó khăn về chiết khấu, mà còn khó duy trì hoạt động bán hàng.
Theo vị này, việc các DN đầu mối giảm mạnh chiết khấu khiến DN bán lẻ thu không đủ bù chi. "Với một cây xăng bán được 2.000 lít mỗi ngày tại TP.HCM, nếu chiết khấu ổn định 1.000 đồng/lít cũng chỉ vừa đủ trang trải chi phí nhân công, điện nước..., chứ chưa nói đến tiền mặt bằng, lãi vay... Nhưng chiết khấu cao nhất hiện nay chỉ 500 đồng/lít nên DN lỗ nặng", vị này than.
Giá xăng chưa được tính đúng, tính đủ?
Một DN đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho biết dự kiến ngày 11-4 giá xăng dầu sẽ tăng 750 - 1.100 đồng/lít, nên các đầu mối buộc phải giảm chiết khấu.
Tuy vậy, có những thời điểm khi thị trường tốt, mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ lên đến 2.000 đồng, do nguồn hàng dồi dào. Thực tế này phản ánh đúng cung cầu thị trường xăng dầu, có tăng có giảm chiết khấu theo cung cầu và biến động giá cả của thị trường.
Cũng theo vị này, việc giảm chiết khấu với DN bán lẻ mỗi chu kỳ tăng giá là do các chi phí để tính giá xăng dầu vẫn chưa được tính đúng, tính đủ.
Chẳng hạn như chi phí dự trữ của các DN đầu mối theo quy định là 20 ngày, hoặc chi phí hao hụt trong kho, các chi phí định mức của bán lẻ xăng dầu... đều chưa tính đủ. "Do vậy khi giá xăng dầu có biến động mạnh, DN đầu mối buộc phải giảm mạnh chiết khấu, do không có nguồn để chia sẻ với nhà bán lẻ", vị này nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan quản lý đã hai lần điều chỉnh chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, vào ngày 10-1 và 21-2.
Tuy vậy DN kinh doanh xăng dầu cho rằng việc rà soát biến động chi phí theo biến động thị trường cần được tiếp tục thực hiện, bởi thị trường xăng dầu chưa thực sự ổn định trở lại và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá.
Đồng thời trong công thức tính giá cần được tính toán đầy đủ chi phí để có dư địa tăng thêm chiết khấu cho nhà bán lẻ.
Trong báo cáo Thủ tướng về rà soát, điều chỉnh chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định việc hằng tháng phải thống kê chi phí kinh doanh xăng dầu và điều chỉnh theo thực tế thị trường, mà quay trở lại quy định trước đây là 6 tháng/lần do chi phí kinh doanh xăng dầu có khoản tăng, giảm nhưng biên độ thấp, không bất thường.
Theo bộ này, trên cơ sở cập nhật chi phí định mức trong kinh doanh xăng dầu của tháng 2, kết quả rà soát ngày 20-3 cho thấy chi phí đưa xăng dầu về cảng giảm 1,3% hoặc tăng 0,8% tùy loại so với giá cơ sở tại kỳ điều hành ngày 11-3. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng giảm 1,1% hoặc tăng 0,3% tùy mặt hàng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ tiền đóng góp của người dân, nhưng doanh nghiệp quản lý lại dùng tiền vào mục đích khác là không công bằng.
Xem thêm: mth.84221243201403202-ol-naht-ial-uad-gnax-el-nab/nv.ertiout