Di sản điện ảnh là câu chuyện rộng lớn mà các quốc gia trên toàn cầu đều đã - đang và sẽ tiếp tục viết theo nhiều cách khác nhau.
Điểm chung của nó là đặt điện ảnh vào vị trí xứng đáng trong dòng chảy lịch sử và coi điện ảnh là di sản văn hóa - là tài sản quý giá không thể thay thế của quốc gia - cần được bảo vệ, phát triển.
Theo thời gian, không có gì thuộc về con người mà còn xa lạ với điện ảnh. Và tại Việt Nam, dù du nhập muộn nhưng có lẽ điện ảnh chính là hình thức biểu đạt văn hóa mang tính chủ đạo trong thế kỷ trước.
"Thực đơn" phim cũ kỹ các dịp lễ
Điện ảnh kinh điển của Việt Nam, một thời hoàng kim lưu lại lịch sử đấu tranh, tư tưởng, tuyên truyền, cách mạng, đời sống... đã từng là đỉnh cao thưởng thức văn hóa của cộng đồng một thời. Nay hoặc meo mốc thật sự trong những kho không máy lạnh, hoặc nằm mốc ra không khán giả đoái hoài trong những kho lạnh được bảo quản cực kỳ cẩn thận.
Ở cả hai tình huống này, với tư cách là một di sản văn hóa quý giá của quốc gia... thì điện ảnh vẫn thực sự rơi vào cao trào bi kịch!
Quả bóng trách nhiệm đang được đá qua đá lại về việc để 300 cuốn phim gốc tại Hãng phim truyện Việt Nam "tự hủy hoại" vì điều hòa không có tiền để chạy và máy hút ẩm thì không xuất hiện ở vị trí quy định.
Kinh phí hạn hẹp được Nhà nước bao cấp, các chuyên gia từ Viện Phim hay Cục Điện ảnh hay Bộ VH-TT&DL chắc chắn không dễ dàng gì thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ phát triển điện ảnh hằng năm.
Các hoạt động chiếu phim, nếu nói về số lượng chắc chắn không ít, có thể không nổi bật trên truyền thông nhưng thực sự rất đều đặn, bền bỉ qua nhiều năm.
Có điều, sự bền bỉ, chung thủy này còn thể hiện cả ở "thực đơn" nội dung hầu như không thay đổi. Cứ 19-8 là Sao tháng Tám, Đến hẹn lại lên; cứ mùng 7-5 là Hoa ban đỏ và Vợ chồng A Phủ.
Sự bất ngờ, mới lạ hay trải nghiệm nghệ thuật, khám phá di sản... không phải những từ khóa mà công chúng có thể tìm kiếm ở các hoạt động này.
Các chương trình chiếu phim kinh điển trên truyền hình vào những ngày lịch sử trọng đại luôn đi kèm với những bản phim mang danh số hóa có chất lượng kỹ thuật thật sự kỳ lạ... Tất cả nỗ lực tạo tác nên vẻ đẹp của điện ảnh dẫu ở lớp vỏ bề ngoài đều đã bị nhấn chìm sau những đốm mốc, xước, rách thi thoảng hoặc liên tục xuất hiện.
Bộ phim sai màu, sai sáng, sai luôn cả tốc độ hình ảnh và lắm khi... sai cả tỉ lệ khuôn hình lại giúp khán giả ngay lập tức nhận ra "A, đây đúng là phim kinh điển Việt Nam rồi". Được nhận diện như vậy, dù ở vai trò là di sản hay nghệ thuật thì điện ảnh đều khó có thể mỉm cười.
Những nỗ lực cho di sản kết nối sống động cùng khán giả
"Như trăng trong đêm" là một dự án kéo dài ba năm của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) mà người thực hiện chính là các học viên của họ, với sự giúp sức của các giám tuyển còn rất trẻ.
Sự hỗ trợ tài chính không lớn từ các tổ chức cả trong và ngoài nước đã giúp họ tạo ra các buổi chiếu phim - nơi phim nhựa kinh điển sống lại trong các bản "số hóa" dẫu quá đỗi đơn sơ trên màn chiếu kỹ thuật số hôm nay.
Và quan trọng hơn, khi sống lại ở vai trò một di sản văn hóa, điện ảnh kinh điển Việt Nam đang tạo ra các đối thoại liên thế hệ giữa khán giả, nhà nghiên cứu và các nhà làm phim.
Ở mùa thứ 3 của dự án, nhà quay phim kỳ cựu Nguyễn Hữu Tuấn nói rằng ông thật sự ngạc nhiên không hiểu sao các bạn trẻ ơi là trẻ lại tìm ra bộ phim Tiền ơi (1989, Trần Vũ - Nguyễn Hữu Luyện) mà hai anh em ông (Nguyễn Hữu Luyện - Nguyễn Hữu Tuấn) cùng thực hiện.
Việc bộ phim bỗng sống dậy trong rạp chiếu và cuốn hút đông đảo khán giả trẻ không chỉ đến xem mà còn hỏi nhiều câu hỏi hóc búa là điều ông thực sự không ngờ tới. Còn khán giả bày tỏ sự bất ngờ không kém khi biết hóa ra ngày xưa các bậc cha chú làm phim hài rất là hài, và hóa ra cuộc sống hồi ấy lại "siêu ngầu" như thế.
"Rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian" (một sáng kiến của không gian sáng tạo tư nhân Ơ Kìa Hà Nội) khi còn có tiền để duy trì hoạt động, có lần thực hiện chuyên đề về diễn viên Hồng Ánh.
Tuần phim đó, người Hà Nội kéo nhau đến khu vườn rợp bóng tre, gặp gỡ các nghệ sĩ và xem những bộ phim nổi tiếng một thời: Hải Nguyệt, Người đàn bà mộng du, Đời cát, Thung lũng hoang vắng...
Dù được sự trợ giúp của các tác giả để có bản phim - tạm coi là "số hóa" với chất lượng tốt nhất lúc bấy giờ, hình ảnh trên màn chiếu vẫn khiến cả đạo diễn, quay phim, diễn viên phải tiếc nuối vì... nó chẳng giống mấy với thứ điện ảnh mà họ đã thực sự tạo ra. Tính nguyên bản của các bộ phim đã bị xâm hại một cách thô bạo ở phần hình ảnh (màu sắc, độ sáng tối, độ sắc nét, độ mịn...).
Trong những ngày chiếu phim, khán giả và nghệ sĩ đã hòa vào bầu không khí điện ảnh một lần nữa. Những bộ phim dù có "biến dạng" đang sống một cuộc đời đúng nghĩa - cuộc đời bên ngoài các kho kệ bảo quản - cuộc đời có khán giả - cuộc đời có đối thoại, có chia sẻ, có nhiều cái mới sinh sôi.
Thế nhưng, không nhiều những nỗ lực như vậy, để phim làm ra được sống đúng đời sống của tác phẩm, di sản được thực sự thuộc về cộng đồng.
Bộ sưu tập phim ở Viện Phim rất quan trọng
Trong quá khứ, điện ảnh ở Việt Nam được đánh giá cao hơn. Các nghệ sĩ, các nhà quản lý và nhà phê bình thực sự quan tâm đến nó. Đó là lý do tại sao điện ảnh của thập niên 1960 - 1970 của các bạn đã được lưu trữ và bảo vệ rất tốt.
Tôi cho rằng bộ sưu tập phim mà Viện Phim Việt Nam đang có là một trong những bộ sưu tập được bảo tồn tốt nhất ở Đông Nam Á. Và kho lưu trữ này là một kho lưu trữ quan trọng, có tầm cỡ, được thiết lập tốt.
Nó có thể đang thiếu vốn vì Việt Nam cũng chưa có quỹ văn hóa dành cho bảo tồn điện ảnh. Nhưng thực sự có nhiều khía cạnh mà ta có thể cải thiện được tại Viện Phim để bảo tồn và phát huy giá trị di sản điện ảnh đặc biệt quý giá này.
MARTINO CIPRIANI (giảng viên tại RMIT Việt Nam, nghiên cứu sinh tiến sĩ về lưu trữ di sản điện ảnh tại ĐH Amsterdam)
Đạo diễn Phan Đăng Di:
Muốn phim sống lại phải biết cách giới thiệu đàng hoàng
Nếu muốn giới thiệu di sản điện ảnh Nhà nước một cách bài bản, chúng ta cần chủ động liên kết với những nơi sẵn sàng giới thiệu phim Việt Nam trong các chương trình được tổ chức bài bản, có chuyên môn.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL hằng năm nên chọn ra một danh sách các phim giá trị cần phục dựng, số hóa ở chất lượng cao (việc này phức tạp và tốn kém) giao Viện Phim Việt Nam thực hiện.
Việc phục dựng không chỉ là để lưu trữ mà quan trọng hơn là tái sinh vòng đời của các bộ phim bằng cách giới thiệu nó thật bài bản, khoa học và hấp dẫn.
Ở tất cả các liên hoan phim lớn luôn có khu vực chiếu lại các phim kinh điển của các nước. Nhà nước mỗi năm đều có tuần phim Việt Nam ở nước ngoài nhưng cách lựa chọn phim không giúp nhận diện rõ di sản quý của điện ảnh dân tộc.
Trong lúc, nếu biết liên kết với các liên hoan uy tín, sẽ có những chuyên gia giám tuyển giúp chúng ta làm việc này tốt hơn.
Trên thế giới, khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người vẫn chỉ biết đến phim của Trần Anh Hùng hoặc những phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam, đó là do sự quảng bá của chúng ta chưa tốt.
Ngay cả khi hiện nay nhiều phim Việt kinh điển được tải lên mạng thì chất lượng âm thanh, hình ảnh cũng rất tệ. Điều này tạo cho giới trẻ một cảm giác ngán ngại khi tiếp cận, khiến họ rất khó "yêu".
Nếu muốn những bộ phim sống lại, muốn người trẻ hứng thú thì chất lượng bản phim phải thật tốt, có những người tâm huyết lựa chọn và biết cách giới thiệu trong những chương trình đàng hoàng.
Có một chương trình tên là Như trăng trong đêm, do những nghệ sĩ như Trương Quế Chi, các bạn trẻ ở TPD... làm giám tuyển để chiếu ở Việt Nam, Singapore. Họ có nguyên tắc chọn phim, khi chiếu lại rất biết cách trình bày, khơi gợi sự quan tâm của người xem. Đây thực sự là một chương trình rất đáng để các cơ quan nhà nước tham khảo về cách làm.
MI LY ghi
Trước khi Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu bị xin giải thể vì thua lỗ kéo dài, đã có không ít hãng phim nhà nước từng nổi đình đám dần lặng lẽ im hơi lặng tiếng.
Xem thêm: mth.12130249011403202-gnos-coud-nac-hna-neid-nas-id/nv.ertiout