Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố thông tin liên quan đến đơn xin từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT.
Theo đó, ngày 11/4, HĐQT BAF đã tiếp nhận đơn xin từ nhiệm của ông Phan Ngọc Ấn. Trong đơn nêu rõ, vì lý do cá nhân nên ông Phan Ngọc Ấn xin được từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và không tham gia HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam kể từ ngày 11/4.
Ông Phan Ngọc Ấn sinh năm 1976, với chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và Tài chính Kế toán, có kinh nghiệm hơn 15 năm làm trong lĩnh vực chăn nuôi, trang trại. Ông từng từng giữ vai trò điều hành doanh nghiệp ở các công ty FDI như Coca Cola Việt Nam, Prudential Việt Nam, GreenFeed Việt Nam.
Tại BAF, năm 2020, ông Phan Ngọc Ấn được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty. Từ tháng 3/2021 đến 3/2022, ông Ấn giữ chức Chủ tịch HĐQT BAF. Tuy nhiên, sau Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, BAF đã bổ nhiệm ông Trương Sỹ Bá giữ chức Chủ tịch HĐQT BAF Việt Nam thay ông Phan Ngọc Ấn.
Đáng chú ý, vào ngày 27/12/2022, ông Ngọc Ấn đã thoái toàn bộ vốn tại BAF. Cụ thể, đã vị này đã bán hết 2.477.500 cổ phiếu, chiếm 1,73% vốn tại BAF theo giao dịch thoả thuận.
Trước đó, từ ngày 7/10/2022 đến ngày 11/10/2022, theo phương thức giao dịch khớp lệnh, ông Ngọc Ấn đã giảm sở hữu tại BAF từ hơn 9 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 6,32%) xuống còn 2,48 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 1,73%) và không còn là cổ đông lớn của công ty.
Trong khoảng thời gian trên, giá cổ phiếu BAF tăng khá mạnh với mức biến động trong khoảng 19.450 – 23.100 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính với mức giá trung bình, ông Ngọc Ấn đã thu về khoảng 140 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu BAF.
Tại một diễn biến khác, cũng trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, nhiều lãnh đạo của BAF cùng lúc đăng ký bán bớt cổ phiếu đang nắm giữ. Theo đó, bà Bùi Hương Giang - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán 499.750 cổ phiếu trên tổng số gần 5,2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.
Ông Lê Xuân Thọ - Thành viên HĐQT, cũng đăng ký bán 795.000 cổ phiếu trong tổng số 839.200 cổ phiếu đang nắm giữ, nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, năm 2022, BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 7.047 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 293 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
BAF lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần đạt 5.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 402 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và tăng 25% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022 ông chủ heo ăn chay không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thông tin thêm về khoản lợi nhuận khác, theo thuyết minh từ báo cáo tài chính cả năm, khoản tiền trên tăng đột biến chủ yếu do lãi từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Cụ thể, khoản thu này tăng mạnh hơn 103 lần so với năm 2021, đạt 37,4 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính doanh nghiệp, tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của BAF Việt Nam đạt 4.908 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn với 34%, tương đương 1.682 tỷ đồng.