Tại báo cáo PCI 2022, vừa được VCCI công bố, Hà Nội đứng thứ 20, tụt 10 bậc so với PCI 2021 (đứng thứ 10) và TP.HCM đứng thứ 27, tụt 13 bậc so với PCI 2021. Điều này cho thấy hai trung tâm kinh tế này còn nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
TP.HCM tụt hạng, vì sao?
Giải thích lý do thứ hạng xếp hạng PCI của hai trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP.HCM chưa từng lọt vào top 5 tỉnh dẫn đầu cả nước trong 5 năm gần đây, thậm chí tụt sâu trong năm 2022, bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng về quy mô và số lượng doanh nghiệp, không thể so sánh Hà Nội, TP.HCM với Quảng Ninh được.
Số doanh nghiệp của Quảng Ninh nhỏ hơn nhiều lần nên được phục vụ tốt hơn, trong khi Hà Nội và TP.HCM tập trung phần lớn doanh nghiệp của cả nước nên có nhiều vấn đề phải giải quyết hơn. Đối tượng doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM cũng đa dạng hơn, trong khi những tỉnh trong tốp đầu như Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp... có số lượng doanh nghiệp không nhiều, có ít vấn đề phát sinh hơn nên phản ánh của doanh nghiệp với hoạt động điều hành kinh tế của chính quyền cũng có sự khác biệt.
"Quy mô nhỏ hơn thì cải cách môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Hơn nữa, môi trường kinh doanh của Hà Nội và TP.HCM cũng có những thay đổi nhất định nhưng mức độ thay đổi chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp, trong khi đối tượng doanh nghiệp rất rộng" - bà Thảo nói và cho rằng nỗ lực của chính quyền hai thành phố lớn là chưa đủ, chưa thực sự quan tâm tới cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như Quảng Ninh hay Bắc Giang.
Cuối cùng, theo bà Thảo, bộ chỉ số PCI cũng cần thay đổi một số chỉ số để đánh giá được cả yếu tố về quy mô, số lượng doanh nghiệp các tỉnh thành. Không nên so sánh Hà Nội, TP.HCM với các tỉnh thành nhỏ hơn vì mức độ phát triển khác nhau. Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng tất cả các địa phương, có Hà Nội và TP.HCM, đều còn dư địa để cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề là chính quyền địa phương có thực sự muốn thay đổi để tốt hơn hay không.
Làm gì để cải thiện PCI?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký VCCI, cho rằng gốc rễ của cải thiện PCI là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Và để làm được điều này, TP.HCM cũng như Hà Nội cần tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn. "Đó là làm sao để thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn, cán bộ công chức phải có tinh thần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều hơn", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ cần sự nỗ lực của lãnh đạo thành phố mà cần sự nỗ lực của tất cả các sở, ngành, quận huyện. Vì lĩnh vực PCI đo lường liên quan tới thủ tục đầu tư kinh doanh ở hầu hết các sở, ngành lĩnh vực và chính quyền cơ sở. "Đẩy mạnh chất lượng thực thi pháp luật của bộ máy bên dưới cực kỳ quan trọng, ở nhiều địa phương khác cũng vậy", ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, sự khác biệt về thứ hạng của các địa phương trên bảng xếp hạng PCI hằng năm không nằm ở việc ban hành chính sách hay, không phải tuyên bố hoành tráng, mà cần thúc đẩy chất lượng thực thi pháp luật của bộ máy bên dưới thuận lợi hơn. Người dân, doanh nghiệp sẽ cảm nhận được sự cải cách từ những hành vi cụ thể của các công chức, chứ không phải dựa vào quy định trong các văn bản, các hội nghị.
Xa hơn là công chức phải có động lực, thúc đẩy hỗ trợ kinh doanh phải trở thành văn hóa chủ đạo trong nền hành chính. Khảo sát cho thấy hầu hết các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu PCI 2022 có tốc độ ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục rất mạnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin phải thực chất, thân thiện với người dùng.
"TP.HCM từng nổi tiếng là trung tâm có nhiều đổi mới, đột phá, nhiều cải cách trong thời kỳ đổi mới trước đây, nhưng những năm gần đây sự đột phá chưa nhiều vì thực tiễn kinh doanh của thành phố cũng đa dạng, phức tạp hơn các địa phương khác. Dư địa đột phá của TP.HCM lớn hơn, điều quan trọng là động lực thực thi của chính quyền cấp cơ sở của thành phố đến đâu", ông Tuấn nhấn mạnh.
* Ông Huỳnh Phước Nghĩa (viện phó Viện Đổi mới sáng tạo, Trường đại học Kinh tế TP.HCM):
TP.HCM phải đẩy mạnh liên kết vùng
Để nâng cao năng lực điều hành, TP.HCM cần "giải" những vấn đề xoay quanh ba trụ cột. Thứ nhất, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, trọng yếu phải được khơi thông trở lại. Ngoài lĩnh vực hạ tầng và dịch vụ, cũng cần phải quan tâm đến các lĩnh vực như logistics, thương mại, bán lẻ, tài chính... thông qua việc kích thích tiêu dùng nội địa tăng lên, thúc đẩy những động lực này tăng trưởng.
Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, những lĩnh vực mang tính "khiếm khuyết" hiện nay như bất động sản cần thúc đẩy sự phục hồi một cách triệt để.
Nếu không giải quyết những vấn đề một cách căn cơ, chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp tỉnh sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng những năm tới. Với nhiều lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác về mặt hội nhập kinh tế quốc tế, thành phố phải thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong liên kết vùng. Nhiều doanh nghiệp chọn TP.HCM làm đòn bẩy để mở hoạt động sản xuất kinh doanh, mở nhà xưởng ở các tỉnh, nên thành phố phải làm tốt hơn nữa các dịch vụ đặt trong tổng thể liên kết vùng để tạo nên một chuỗi giá trị, không chỉ gói gọn trong TP.HCM.
NGỌC HIỂN ghi
Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng
Đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo PCI 2022, ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký VCCI - cho biết chỉ số PCI 2022 được nhóm nghiên cứu tính toán từ 142 chỉ tiêu, thuộc 10 chỉ số thành phần phản ánh các khía cạnh về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh.
Theo ông Tuấn, một địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt khi có chi phí gia nhập thị trường thấp, tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai, chi phí không chính thức thấp, thời gian thực hiện các quy định và thủ tục hành chính nhanh chóng... Dựa trên 10 chỉ số thành phần này, PCI 2022 ghi nhận tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng với 72,95 điểm trên thang điểm 100.
Và đây là năm thứ sáu liên tiếp (2017 - 2022) Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Xếp ngay sau Quảng Ninh trên bảng xếp hạng PCI 2022 lần lượt là các địa phương Bắc Giang, thành phố Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp.
TTO - Là những "đầu tàu" kinh tế nên nếu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao sẽ có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển chung. Nhưng vì sao chỉ số PCI 2020 vừa công bố, hai "đầu tàu" vẫn khó tăng hạng?
Xem thêm: mth.35392553211403202-icp-neiht-iac-cul-on-nac-mch-pt/nv.ertiout