Tại hội thảo sáng 12-4, PGS.TS Nguyễn Văn Trình - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) - cho hay theo quy hoạch, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) đi song song với vành đai 2 đến ga Tân Kiên rồi vào địa phận Long An.
Các nhà ga gồm: An Bình, Thạnh Xuân, Tân Chánh Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Kiên và các trạm khách Vĩnh Phú, Bà Điểm. Đường sắt sẽ qua hàng loạt đô thị cũ rất đông dân như TP Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Khi triển khai đầu tư rất tốn kém, nhiều nhà dân phải giải tỏa.
Nắn đoạn tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ thành vòng cung
Theo ông Trình, nhóm chuyên gia đề xuất nhiều phương án nắn đường sắt đoạn qua TP.HCM và Bình Dương, trong đó có phương án đi hầu hết với vành đai 3 và đi một phần. Phương án tối ưu là kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vào một phần bên trái của vành đai 3 TP.HCM để mở tuyến đường sắt vành đai vòng cung.
Như vậy hướng tuyến đề xuất sẽ từ ga An Bình đi theo hành lang đã quy hoạch về phía Bắc đến ga Dĩ An, ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo vành đai 3 TP.HCM về phía Nam. Đến vị trí cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến sẽ đi tiếp xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Theo phương án chọn, các ga được dự kiến gồm: ga An Bình, ga Dĩ An, ga Bình Chuẩn, trạm khách Bình Mỹ, ga Tân Thới Nhì, trạm khách Phạm Văn Hai và ga Tân Nhựt.
"TP.HCM hiện nay không có đường sắt kết nối cảng biển nên hàng hóa chủ yếu đi bằng đường bộ, container tràn ra đường rất nhiều. Hướng tuyến mới sẽ mở ra tuyến đường sắt vòng cung, kết nối các cảng biển, tương lai có thể nối tuyến với Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu", ông Trình nói.
Còn theo TS Trịnh Văn Chính - thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, hướng tuyến cũ hiện nay gặp rất nhiều trở ngại về giải phóng mặt bằng. Dọc vành đai 2 hiện đô thị hóa rất nhanh, giá đền bù cao từ 2,5 - 3 lần so với vành đai 3 TP.HCM.
Thuận lợi của hướng tuyến mới là đã giải phóng mặt bằng sẵn từ đường vành đai 3 TP.HCM, thi công nhanh, giảm chi phí đầu tư, ít di dời dân. Khu vực tuyến đường sắt đi qua phần lớn là đất nông nghiệp nên sẽ giúp đô thị hóa một cách chủ động theo hình thức TOD xung quanh nhà ga.
Ý tưởng nắn đường sắt TP.HCM - Cần Thơ nhiều thách thức
Theo ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP, mấy chục năm qua các tỉnh phía Nam không làm thêm được một mét đường sắt nào, thậm chí còn mất đi nhiều đoạn nối cảng biển.
Ý tưởng đề xuất nắn chỉnh đường sắt đoạn qua TP.HCM và Bình Dương tạo thành đường sắt vành đai vòng cung kết nối cảng là hay. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ có nhiều khó khăn do liên quan việc điều chỉnh quy hoạch. Bởi hiện nay, vành đai 3 TP.HCM sắp khởi công, triển khai giải phóng mặt bằng chỉ một lần. Nếu nắn đường sắt đi sát dự án vành đai 3 TP.HCM, cần phải giải tỏa đền bù thêm một lần nữa.
Ông Phạm Hoài Chung - viện phó Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải - nói đường sắt TP.HCM - Cần Thơ rất quan trọng, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, hiện Ban Quản lý đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi.
Về ý tưởng, ông Chung ủng hộ hội thảo sẽ giúp cho TP có bước đột phá mới về phát triển đô thị, mở ra đường sắt hành lang. Tuy nhiên, ông đề nghị nhóm nghiên cứu cần phân tích cụ thể hơn về tính pháp lý, giải pháp về quy hoạch, đánh giá tác động xã hội, đánh giá sản lượng hàng hóa và hành khách khi điều chỉnh hướng tuyến...
"Vấn đề thách thức hiện nay là các địa phương đã duyệt quy hoạch và việc điều chỉnh là bài toán khó. Nhóm nghiên cứu phải báo cáo ngay với lãnh đạo các địa phương để xin ý kiến định hướng về mặt chủ trương. Nếu cần, các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng nghiên cứu phương án nắn đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đưa ý tưởng cụ thể hơn", ông Chung nói.
Qua khảo sát, tính toán sơ bộ, để đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài 174km, tốc độ chạy tàu 190km/h cần chi phí khoảng 9 tỉ USD, tương đương 213.948 tỉ đồng.