Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay cả tỉnh mới thi hành xong 2 bản án. Trong đó, 1 bản án của TAND tỉnh Bình Thuận, thuộc trách nhiệm thi hành án của Văn phòng Đăng ký đất đai TX.La Gi và Phòng TN-MT TX.La Gi. Bản án thứ 2 đã được thi hành do phán quyết của TAND cấp cao tại TP.HCM thuộc trách nhiệm thi hành của UBND H.Bắc Bình.
Còn tới 33 bản án chưa được thi hành, trong đó có tới 28 bản án đang được Cục Thi hành án dân sự Bình Thuận theo dõi, đôn đốc.
Trong số 33 bản án chưa được thi hành thì TP.Phan Thiết chiếm nhiều nhất với 19 bản án; còn lại thuộc về các địa phương như UBND H.Tuy Phong 6 bản án, UBND H.Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận, UBND TX.La Gi và UBND tỉnh Bình Thuận.
Vì sao chưa thi hành được ?
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc chậm thi hành có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do thiếu kinh phí và có cả nguyên nhân do trách nhiệm của người thi hành án chậm trễ, thiếu theo dõi, chỉ đạo. Cụ thể, TP.Phan Thiết hiện nay có 11 bản án phải bồi thường với số tiền 27,5 tỉ đồng, đó là chưa tính khoản lãi do chậm trả.
Các bản án được thi hành trên toàn tỉnh chỉ có 2/35 bản án (chỉ đạt 5,7%), số còn lại chưa được thi hành. Theo đó, riêng TP.Phan Thiết có bản án từ năm 2017-2018 đến nay vẫn chưa được thi hành. Theo nhận định của một cán bộ chuyên môn có trách nhiệm, thực ra trong số 19 bản án chưa được thi hành ở TP.Phan Thiết (và một số nơi khác) không phải khó thi hành, mà do trách nhiệm của Chủ tịch UBND thiếu đôn đốc, chỉ đạo quan tâm việc thi hành bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật. "Mặc dù từ tháng 7.2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn (số 2362 ngày 25.7.2022 - PV) đôn đốc, chỉ đạo khẩn trương thi hành bản án nhưng vẫn không có kết quả", một cán bộ có trách nhiệm cho hay.
"Tình hình trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án hành chính, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của người phải thi hành án hành chính là các cơ quan nhà nước. Tình trạng chậm thi hành các bản án hành chính kéo dài, gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương", nguồn tin nêu.
Về nội dung các bản án chưa được thi hành, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai như thu hồi, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ tái định cư hoặc trình tự thủ tục giải quyết phải thực hiện nhiều bước, qua nhiều cơ quan, phức tạp do công tác quản lý đất đai thời gian trước đây thiếu chặt chẽ, hoặc chính sách có thay đổi.
Hiện nay, cơ quan có trách nhiệm đang tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành công văn đôn đốc việc thi hành các bản án hành chính. Bên cạnh đó, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình, kiểm điểm UBND TP.Phan Thiết, Sở TN-MT (có nhiều bản án chưa thi hành); tiếp tục yêu cầu người đứng đầu phải tổ chức đối thoại, tham gia phiên tòa hành chính và cung cấp kịp thời thông tin cho TAND các cấp và cơ quan thi hành án để thi hành các bản án.