Chia sẻ tại diễn đàn của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, các sáng kiến kích thích sản xuất của Ấn Độ bao phủ 13 lĩnh vực, trong đó có sản phẩm bán dẫn. Các sáng kiến này sẽ mang chuỗi giá trị toàn cầu đến Ấn Độ.
"Bằng cách đó, chúng tôi hy vọng sẽ sản xuất được lượng lớn hàng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế", bà nói.
Ấn Độ tháng trước đề ra mục tiêu tham vọng là đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 2.000 tỷ USD cho đến năm 2030. Quốc gia Nam Á này cố gắng trở thành điểm đến hàng đầu cho các công ty muốn chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Trong ngày 10/4, bà Sitharaman dẫn chứng về sản xuất điện thoại. Năm 2014, Ấn Độ sản xuất rất ít thiết bị, nhưng giờ thì họ đã trở thành một trong những nước xuất khẩu điện thoại lớn nhất thế giới.
Thời gian gần đây, Ấn Độ tích cực theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do song phương với nhiều nước, trong đó có Australia, Anh và Canada. Họ đã chuyển từ cách tiếp cận thông thường sang các thỏa thuận này.
Cũng trong ngày 10/4, bà Sitharaman cho biết, quốc gia này cũng đang thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Canada.
Vào năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch trị giá 6,65 tỷ USD nhằm khuyến khích các nhà sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu chuyển hoạt động sản xuất của họ sang nước này.
Gần đây, nhiều công ty cũng có ý định đa dạng hóa sản xuất sang Ấn Độ, đáng chú ý nhất là Foxconn Technology Group – công ty cung ứng cho Apple. Công ty này lên kế hoạch xây nhà máy mới trị giá 700 triệu USD tại Ấn Độ để sản xuất linh kiện iPhone. Hãng lắp ráp AirPods GoerTek cũng có kế hoạch mở nhà máy ở Việt Nam và đang cân nhắc mở rộng sang Ấn Độ.
Ấn Độ dự kiến sẽ lắp ráp tới 50% số iPhone của Apple vào năm 2027, tăng từ mức dưới 5% hiện nay, DigiTimes Research của Đài Loan dự báo vào tháng 1. Điều đó sẽ giúp họ ngang bằng với quy mô sản xuất ở Trung Quốc.